Bản tin trường

ĐẠI HỘI ĐOÀN TRƯỜNG THPT NGUYỄN HUỆ LẦN THỨ VXII – NHIỆM KỲ 2017 – 2018 ĐOÀN KẾT – SÁNG TẠO – THÀNH CÔNG!

  • PDF.InEmail

“…Một năm khởi đầu từ mùa Xuân.
Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ.
Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội”.
                                                          (Hồ Chí Minh)

Được sự thống nhất của Chi ủy – Ban Giám hiệu nhà trường và Ban thường vụ Huyện đoàn Núi Thành, thực hiện Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm học 2017 – 2018; ngày 19 tháng 10 năm 2017, Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường THPT Nguyễn Huệ lần thứ XVII nhiệm kì 2017 – 2018 được tổ chức trong không khí khắp nơi đang tổ chức các hoạt động lập thành tích chào mừng thành công Đại hội Đoàn tỉnh Quảng Nam lần thứ XVIII nhiệm kì 2017 – 2022; hướng đến Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI nhiệm kì 2017 – 2022. Chính vì vậy, càng làm cho không khí của Đại hội thêm nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Đại hội vinh dự được đón tiếp sự hiện diện của đồng chí Nguyễn Minh Nhựt – Ủy viên Ban thường vụ Huyện đoàn Núi Thành, đại biểu của các đoàn xã, các trường bạn; Ban đại diện cha mẹ học sinh. Về phía nhà trường có sự hiện diện của thầy giáo Mai Văn Định – Phó Bí thư chi bộ, thầy giáo Huỳnh Ngọc Phúc – Hiệu trưởng nhà trường; thầy giáo Nguyễn Hữu Thiện – Nguyên Bí thư chi bộ, nguyên Hiệu trưởng nhà trường; thầy giáo Lương Minh Vương – Nguyên Bí thư chi bộ, nguyên Phó Hiệu trưởng nhà trường; cùng các đồng chí trong chi ủy, BGH, đại diện các tổ chức đoàn thể trong nhà trường, GVCN và 167 đại biểu chính thức đại diện cho hơn gần 1200 đoàn viên thanh niên của nhà trường.

1

Đại hội mở đầu bằng các tiết mục văn nghệ chào mừng hết sức sôi động, thể hiện nhiệt huyết, sức trẻ của thanh niên.

2

3

Trong nhiệm kỳ qua, dưới sự chỉ đạo của Đoàn cấp trên; Chi bộ, BGH nhà trường cùng với sự năng động điều hành của tập thể BCH Đoàn trường và sự phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong nhà trường, công tác Đoàn và phong trào thanh niên của trường đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nghị quyết Đại hội Đoàn trường đã được các chi đoàn cụ thể hóa thành nhiều chương trình hành động cụ thể, thiết thực, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của thanh niên trong giai đoạn hiện nay. Đoàn trường đã tổ chức tốt các hoạt động giáo dục, tổ chức có hiệu quả cuộc vận động “học tập và làm theo lời Bác”, cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tổ chức tuyên truyền đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, tiêu cực trong học đường; duy trì tốt nề nếp, thi đua trong nhà trường; tham gia tích cực các hoạt động do Đoàn cấp trên phát động. Với những thành tích đã đạt được, Đoàn trường đã được Huyện đoàn và Tỉnh đoàn công nhận danh hiệu “Đoàn trường xuất sắc”.

Tại Đại hội, đại diện các chi đoàn đã trình bày nhiều tham luận có tính xây dựng cao và đã nêu bật được những vấn đề mà thế hệ trẻ hiện nay cần đáng quan tâm. Đó là tham luận: “Phương pháp giúp nâng cao kết quả học tập” của đồng chí Nguyễn Thị Hà My chi đoàn 11/1 và tham luận “Thanh niên với việc phòng chống bạo lực học đường” của đồng chí Trà Kim Chung chi đoàn 11/2.

4

5

Về dự đại hội, thầy giáo Lê Văn Trí – Chi ủy viên, Phó hiệu trưởng nhà trường cũng đã có những chỉ đạo sát sao, mong muốn mỗi đoàn viên của Trường THPT Nguyễn Huệ ngày càng nổi bật về mọi mặt, phải củng cố tổ chức Đoàn thành khối thống nhất và đoàn kết nội bộ thật chặt chẽ. Đồng thời, thầy cũng động viên, khích lệ và đặt nhiều kỳ vọng vào những bước tiến mới của Đoàn trường trong nhiệm kỳ mới.

6

Cũng trong Đại hội, các đoàn viên Trường THPT Nguyễn Huệ vinh dự được lắng nghe những ý kiến của đồng chí Nguyễn Minh Nhựt - Ủy viên Ban thường vụ Huyện đoàn Núi Thành. Đồng chí đã biểu dương và ghi nhận những thành tích mà Đoàn trường đã đạt được trong thời gian qua và tin tưởng Đoàn trường THPT Nguyễn Huệ sẽ còn tiến xa hơn nữa trong các phong trào xung kích của tuổi trẻ cũng như phong trào dạy tốt, học tốt của nhà trường.

7

8

            Đại hội đã bầu ra 15 đoàn viên ưu tú vào Ban chấp hành đoàn trường nhiệm kỳ 2017 – 2018, đồng chí Nguyễn Thanh Hải được bầu giữ chức vụ Bí thư; đồng chí Trần Thị Thùy Trang và đồng chí Bùi Văn Hưng (chi đoàn 11/1), cùng giữ chức vụ Phó bí thư đoàn trường. Với trí tuệ, nhiệt huyết và hoài bão của tuổi trẻ, Ban chấp hành Đoàn trường THPT Nguyễn Huệ nhiệm kỳ mới sẽ là lực lượng nòng cốt đưa phong trào Đoàn ngày càng vững mạnh, xứng tầm với ngôi trường mang tên vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ.

Đại hội đã kết thúc thành công tốt đẹp!

9

                                                             Thùy Trang – Phó Bí thư đoàn trường.

HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VIỆT NAM 21/4

  • PDF.InEmail

"… Hãy yêu quý sách, nó làm cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn, nó dạy cho các bạn biết quý trọng con người và bản thân mình, nó chắp cánh cho trí tuệ và đem lại cho trái tim tình yêu… Hãy yêu quý sách - nguồn gốc của kiến thức" . M. GOÓC-KI

Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách đóng vai trò rất quan trọng: sách là chiếc chìa khoá vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người, là người thầy siêu việt thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô tận, dạy chúng ta biết sống và biết hy sinh; sách là kho tàng tri thức quan trọng đối với tất cả mọi người bởi sách ghi lại những kiến thức, những giá trị của cuộc sống mà người đi trước đã kiếm tìm, học tập, trãi nghiệm và truyền lại cho thế hệ sau. Mọi thành công của con người đều nhờ sự kết hợp của kinh nghiệm bản thân với tri thức lĩnh hội được từ việc học trong cuộc sống và trong sách vở. Chính vì vậy mà từ lâu sách đã trở thành một nhu cầu cần thiết của loài người trên thế giới. 

          Nhận thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách, Thủ tướng Chính phủ quyết định năm 2014 là năm đầu tiên Việt Nam lấy ngày 21/4 là Ngày Sách Việt Nam. Tháng 4 là thời điểm phát hành cuốn sách “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Việc chọn Ngày Sách Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người mang ý nghĩa to lớn và sâu sắc. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời gian diễn ra Ngày Sách và Bản quyền Thế giới (23/4). Vì vậy, Ngày sách Việt Nam không những thể hiện được sự hội nhập của Việt Nam với thế giới mà còn hấp dẫn và lôi cuốn bạn đọc đông đảo trên cả nước, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong "văn hóa đọc" của người Việt, đồng thời tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

            Nhân kỷ niệm 4 năm Ngày sách Việt Nam (21/4/2014 – 21/4/2017), tôi xin mạo muội trích lại một phần bài viết của mình trước đây khi bàn về văn hóa đọc để chúng ta hiểu hơn thế nào là văn hóa đọc, để từ đó chúng ta có những nhìn nhận về văn hóa đọc và biết trân trọng những tri thức có trong sách.

            “Văn hóa đọc được hiểu theo những quan điểm sau đây:

            Văn hóa đọc là hoạt động tầm cao của con người. Vậy thế nào là hoạt động văn hóa? Hoạt động nào làm cho mình, cho người khác, cho xã hội, cho thế giới..., trở nên tốt đẹp hơn thì đó gọi là hoạt động văn hóa. Có 4 nhóm hoạt động văn hóa sẽ tạo ra sản phẩm khác nhau: hoạt động sản xuất: kết quả của hoạt động này là tạo ra sản phẩm, hoạt động giải trí: kết quả của nó là niềm vui, hoạt động tu dưỡng: kết quả là đạo đức, hoạt động nhận thức thì kết quả của nó chính là tri thức. Trong đó, hoạt động nhận thức (hướng tới tri thức) là rất quan trọng bởi vì:

Hầu như mọi tri thức của con người đều được lưu giữ trong tài liệu viết, cho nên khi đọc, con người có điều kiện tiếp cận với khối lượng tri thức khổng lồ. Nếu đọc, con người sẽ tiếp cận được với nguồn tri thức đảm bảo cao nhất. Ví dụ, nếu chúng ta học từ thầy giáo thì dù chúng ta lĩnh hội tri thức từ thầy một cách đầy đủ thì sự hiểu biết của chúng ta có giỏi cho đến mấy cũng chỉ bằng thầy, còn khi đọc, con người sẽ tiếp nhận rất nhiều tri thức có trong tài liệu, trong sách vở. Những tri thức này do những người tài giỏi, đạo đức, có phẩm chất tốt của xã hội viết nên và lưu lại trong tài liệu viết. Đây chính là nguồn tri thức đảm bảo nhất.

Đọc là phương thức tiếp cận tri thức dễ dàng, thuận lợi nhất cho con người. Bởi vì văn hóa đọc tương thích với mọi điều kiện của con người (không phân biệt người giỏi, không phân biệt trình độ học vấn, không phân biệt lứa tuổi, thời gian, tiền bạc...) Tất cả đều tìm tới tri thức thông qua việc đọc được. Một xã hội trong đó cộng đồng người đọc sách nhiều thì xã hội đó là xã hội thông thái. Như vậy, văn hóa đọc là hoạt động tầm cao của con người.

Văn hóa đọc là đọc có văn hóa. Hoạt động đọc ấy phải xuất phát từ mục đích đọc đúng đắn. Hoạt động đọc được thực hiện với một thái độ trân trọng. Thái độ trân trọng ở đây chính là trân trọng đối với người viết nên cuốn sách (tác giả), đối với người sản xuất ra cuốn sách (nhà xuất bản). Hoạt động đọc được thực hiện với một thái độ trân trọng tri thức có trong sách vở. Đọc có văn hóa là đọc đúng phương pháp, mỗi một mục đích đọc sách đều tương thích với một phương pháp đọc. Việc áp dụng đúng văn hóa đọc thì đó là người có văn hóa đọc. Đọc có văn hóa là người có kỹ năng đọc tốt: đọc có hiệu quả, chất lượng, hiểu đúng vấn đề, tiếp thu được những tri thức mà cuốn sách đó đem lại.

Văn hóa đọc là một phương thức nhận thức thông qua việc giải mã chữ viết. Đây chính là phương thức nhận thức. Nhận thức là một hoạt động văn hóa, đọc là một phương thức văn hóa, để đáp ứng nhu cầu nhận thức cho nên đọc cũng là hoạt động văn hóa. Những phương thức nhận thức này khác với phương thức khác (phương thức nghe, nhìn, trãi nghiệm,..) ở chỗ việc giải mã chữ viết để có được nhận thức. Quá trình đọc giống như quá trình nhận thức. Dùng mắt, tay để nhận dạng chữ viết, dùng lý trí để phân tích ý nghĩa, phân tích ngữ pháp, phân tích ngữ cảnh, xác định ý nghĩa và dùng ý chí, tình cảm để lưu giữ vào bộ não. Đọc tương thích cho phép con người có đủ thời gian để suy nghĩ, để nghiền ngẫm, để vận dụng tri thức. Đọc là phương thức đem lại cho con người hiệu quả tốt nhất và cao nhất, nó vận dụng được tất cả năng lực của con người.”

Văn hóa đọc là hoạt động văn hóa tầm cao của con người. Thông qua văn hóa đọc mọi người dân, tùy thuộc vào trình độ dân trí, nghề nghiệp và điều kiện sống, có thể tiếp cận được với thông tin, tri thức phù hợp, hữu ích nhất cho cuộc sống của mình. Văn hóa đọc có thể giúp cho mỗi cá nhân có một cuộc sống trí tuệ hơn, đẹp đẽ, ý nghĩa, hạnh phúc và hài hòa hơn. Chính vì vậy, phát triển văn hóa đọc luôn là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực - nhân tố quyết định mọi thành công. Xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước góp phần đem lại cho dân tộc Việt Nam sức mạnh của trí tuệ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

                                                                                                                    Kim Anh

     Một số hình ảnh hoạt động đọc sách tại Thư viện Trường THPT Nguyễn Huệ

s1

s2

s3

s4

CUỘC HÀNH TRÌNH ĐẾN NHỮNG “ĐỊA CHỈ ĐỎ” 4 TỈNH MIỀN TRUNG CỦA ĐOÀN TRƯỜNG THPT NGUYỄN HUỆ

  • PDF.InEmail

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn trường nhiệm kì 2016 - 2017, Đoàn trường THPT Nguyễn Huệ đã tổ chức cho cán bộ Đoàn tham quan tại các địa chỉ đỏ ở Quảng Nam, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình trong hai ngày 08,09/4/2017. Tham gia Đoàn tham quan có Thầy giáo Nguyễn Hữu Thiện – Đại diện Chi bộ, Ban Giám hiệu nhà trường; Chú Nguyễn Văn Thương – Trưởng ban Đại diện cha mẹ học sinh trường cùng 35 đồng chí trong BCH Đoàn trường, đại diện BCH Chi đoàn Giáo viên - Nhân viên và chi đoàn các lớp.

Hành trình đến những “Địa chỉ đỏ” 4 tỉnh miền Trung bắt đầu từ 5h00 sáng ngày 08/4/2017. Điểm dừng chân đầu tiên của Đoàn là Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

dc1

dc2Công trình Nhà lưu niệm AHLS Nguyễn Văn Trỗi khang trang bề thế với một không gian thờ tự, một gian đón tiếp, sinh hoạt cộng đồng và các khu phụ trợ. Trong không gian thờ tự, ngoài gian thờ chính, hai bên được bố trí trưng bày những hình ảnh, tư liệu và hiện vật về cuộc đời AHLS Nguyễn Văn Trỗi cùng với những tặng phẩm lưu niệm của đoàn thể và nhân dân khi đến viếng hương. Với niềm biết ơn vô hạn khi biết về cuộc đời và cái chết đã đi vào lịch sử của anh Trỗi, Đoàn tham quan đã dâng hương, hoa tưởng niệm.

        Thầy giáo Nguyễn Hữu Thiện thay mặt cho Đoàn viết lên những dòng cảm xúc của mình vào Sổ lưu niệm để thể hiện lòng tri ân, tôn kính người anh hùng trẻ tuổi của mảnh đất Điện Bàn kiên trung, bất khuất - người con ưu tú của quê hương Quảng Nam.

 Những dòng cảm xúc của Thầy giáo Nguyễn Hữu Thiện ghi trong Sổ lưu niệm

Đến 16h00 cùng ngày, Đoàn tham quan đã có mặt tại danh thắng Phong Nha – Kẻ Bàng (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), một trong những kì quan thiên nhiên của thế giới mà người ta thường gọi là “Thiên Nam Đệ nhất động”. Để đến được động, chúng tôi phải đi thuyền trên dòng sông Son hơn 40 phút. Cảnh nước non sông núi quyến rũ với vô vàn hình ảnh kỳ thú dần hiện ra như khêu gợi trí tưởng tượng của mọi người. Bơi thuyền qua cửa động, cảm giác oi nồng của miền Trung gió Lào lập tức biến mất, càng vào sâu trong động, ánh sáng càng nhạt dần rồi mất hẳn,  một thế giới u linh, kỳ thú … hiện ra.

Theo các nhà khoa học, quá trình phong hóa tạo thành hang động ở Phong Nha là quá trình tự nhiên đã diễn ra cách đây hơn 250 triệu năm. Dạng địa hình chính của Phong Nha - Kẻ Bàng là núi đá vôi và núi đất, độ cao trung bình 600 mét, thành hẹp, vách đứng. Động Phong Nha nằm ở phần đông nam khối núi đá vôi Kẻ Bàng trong một vùng đá vôi bị phong hóa mạnh, diện tích khoảng 10.000 km2, kéo dài 200 km lên phía bắc dãy Trường Sơn, thông cả sang Lào.

Với chiều dài 7.729m, sâu 83m, cao 50m với rất nhiều nhánh hang phụ lớn nhỏ bao gồm cả hang Bi Kí, hang Tiên và hang Cung Đình. Đây là loại hình động nước chảy ngầm trong lòng núi với nhiều thạch nhũ đặc trưng. Tương truyền rằng, chính những măng đá rũ xuống ở cửa hang đã góp phần tạo nên cái tên đầy thi vị "Phong Nha", tức là "Gió luồn qua kẽ răng".


           Phong Nha quả là điểm đến đầy lý tưởng của nhiều du khách trong và ngoài nước, là một công trình kiệt tác của tạo hóa về giá trị thẩm mỹ và sự độc đáo. Chính vì vậy, phong cảnh nơi đây đã để lại nhiều dấu ấn cho Đoàn tham quan chúng tôi, không muốn rời bước khỏi chốn này mặc dù hoàng hôn đã buông dần xuống dòng sông Son.

 dc3

Sau một ngày hành trình, đoàn đã dừng chân nghỉ ngơi tại Khách sạn White Rose, thành phố Đồng Hới – Quảng Bình.

            6h30 phút sáng ngày 09/4/2017, cuộc hành trình theo dòng chảy lịch sử - văn hóa của đất nước được tiếp tục. Cả đoàn 37 người cất vang lời ca trong suốt hành trình đã làm xua đi mệt mõi trên dặm đường dài, cuối cùng trên đất Quảng Bình, chúng tôi cũng đã đến được nơi yên nghỉ cuối đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ngôi mộ của Đại tướng tọa lạc giữa một vùng thiên nhiên thanh tịnh, phía trước có biển Vũng Chùa – Đảo Yến thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách Quốc lộ 1A hơn 2km về phía Đông. Dọc con đường vào mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp có 103 cây hoa mai, 103 cây hoa ban Điện Biên, đường lên mộ có 103 bậc thang bằng gỗ, tượng trưng cho 103 tuổi của Đại tướng.

Đứng trước ngôi mộ của Đại tướng, trong lòng chúng tôi không khỏi xúc động bồi hồi, dâng nắm hương và bó hoa tươi thắm lên Người bằng một sự tôn kính vô ngần.

Cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng của người chiến sĩ cộng sản - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - đã góp phần làm nên nhiều chiến thắng lịch sử vĩ đại của dân tộc; góp phần vào công tác giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng lập trường tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Công lao và cống hiến xuất sắc, nổi bật nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với cách mạng Việt Nam thể hiện trên lĩnh vực quân sự với những chiến công hiển hách của Quân đội nhân dân Việt Nam và Đại tướng đã trở thành một trong những danh tướng tài ba nhất của thế kỷ XX, một nhà chính trị đi trước nhà quân sự, một cây đại thụ rợp bóng nhân văn. Đại tướng là con người Văn - Võ song toàn, trong các lĩnh vực khác như giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật, báo chí, ngoại giao, văn hóa, lịch sử… Đại tướng đều có nhiều đóng góp quan trọng. Không những vậy, ông còn là người học trò gần gũi và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời Đại tướng là tấm gương của một nhân cách văn hóa lớn, liêm khiết, giản dị và khoan dung, tấm gương đó đã được ghi tạc vào lòng nhân dân và tỏa sáng. Danh hiệu dành cho Đại tướng “Vị tướng của nhân dân” vô cùng cao quý mà không một danh hiệu nào có thể so sánh được, nó sẽ trường tồn cùng lịch sử dân tộc Việt Nam và nhân loại.

 dc4

Đến 10h30 phút cùng ngày, Đoàn tham quan đã dừng chân tại cụm di tích đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải. Đây là chứng tích đã đi vào lịch sử dân tộc và tiềm thức nhân loại với nỗi đau chia cắt Nam – Bắc suốt 20 năm và khát vọng thống nhất đất nước của nhân dân ta.

dc5Đặc biệt với lời thuyết minh đầy truyền cảm và sức cuốn hút của thầy giáo Nguyễn Hữu Thiện – một người con của quê hương Quảng Trị - người đã từng sống một thời dưới bom đạn và chứng kiến cuộc đấu tranh bền bỉ của nhân dân hai bên bờ Hiền Lương vì khát vọng thống nhất non sông, đã cho chúng tôi như được sống lại những tháng năm lịch sử. Thầy như một nhân chứng sống trên mảnh đất này, dù khi đó chỉ là một thiếu niên mới 15 tuổi. Thầy đã cho chúng tôi hiểu thêm về những câu chuyện “chọi nhau” diễn ra giữa hai bờ Nam – Bắc Hiền Lương trong những năm tháng Bắc - Nam chia cắt. Đó là những câu chuyện về “chọi màu sắc” cầu Hiền Lương, “chọi cờ” Hiền Lương, về “cuộc chiến chọi âm thanh” đôi bờ Hiền Lương. Thầy đã cho chúng tôi hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất non sông”, về hoạt động của Đồn Công an Hiền Lương và cả những câu chuyện khác của một thời bom đạn trên tuyến lửa này. Qua lời kể của thầy, chúng tôi như được chứng kiến một thời kì lịch sử chống ngoại xâm đầy đạn bom khói lửa nhưng rất hào hùng của dân tộc, để từ đó thêm nâng niu, trân trọng thành quả độc lập, thống nhất ngày hôm nay.

 

Tiếp tục cuộc hành trình, 15h30 phút cùng ngày chúng tôi đã có mặt tại Thành Cổ Quảng Trị. Nơi đã diễn ra trận chiến ác liệt 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972) giữa lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam với Quân lực Việt Nam Cộng hòa có sự yểm trợ tối đa của hỏa lực quân đội Mỹ.

Thành Cổ Quảng Trị nằm tọa lạc ở trung tâm thị xã Quảng Trị bên dòng sông Thạch Hãn. Đây được coi là nghĩa trang không nấm mồ, là ngôi mộ chung của những người lính Thành Cổ đã ngã xuống vì quê hương, vì sự hòa bình thống nhất đất nước.

dc6

Nếu như không được trực tiếp đến đây, được tận mắt chứng kiến tất cả những đau thương, mất mát của một thời – thời của đạn bom, khói lửa, thời của những người mẹ xa con, người vợ xa chồng mà không biết có ngày gặp lại thì chúng tôi cũng chưa khi nào hình dung được những mất mát ấy lại lớn và đau thương đến vậy.

Thương lắm khi được biết tại mảnh đất đó thân xác các Anh đã không còn nguyên vẹn! Từng mảnh, từng mảnh đã hòa cùng cây cỏ, đất trời. Thương lắm với những cánh thư viết vội cho người thân của các Anh! Hầu hết các Anh đã tiên đoán được cái chết sẽ đến với mình bất cứ lúc nào, nhưng trong thư vẫn tràn đầy niềm lạc quan, yêu đời, khuyên người thân đừng buồn khi nghe tin xấu báo về mà các Anh tự hào khi được làm điều đó, vì các Anh biết rằng mình đã góp được phần nhỏ bé để bảo vệ cho Tổ quốc thân yêu, cho người thân được sống. Và chúng tôi đã không cầm được nước mắt khi nghe anh Dũng - Hướng dẫn viên của Khu di tích Thành cổ Quảng Trị đọc những lời nhắn nhủ của cựu chiến binh Phạm Đình Lân từ Hà Nội về thăm lại chiến trường xưa:

“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây.
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào.”

Điểm dừng chân cuối cùng của hành trình đến những “Địa chỉ đỏ” của chúng tôi là thành phố Huế - nơi có quần thể di tích Cố đô được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Tại đây, chúng tôi được biết đến những món ăn đặc sản của xứ Huế, được ngắm mình bên dòng sông Hương thơ mộng sau một hành trình dài đầy ý nghĩa.

dc7

Chùa Thiên Mụ - Huế bên sông Hương

Hành trình đến những “Địa chỉ đỏ” 4 tỉnh miền Trung chỉ có hai ngày nhưng đã để lại trong lòng mỗi chúng tôi nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Chuyến tham quan không chỉ là dịp để toàn thể cán bộ Đoàn được vui chơi, giải trí, tạo sự gắn bó, đoàn kết, giao lưu giữa các đoàn viên trong Đoàn trường mà còn góp phần giáo dục cho thể hệ trẻ hôm nay về truyền thống, niềm tự hào dân tộc, tự hào về những danh lam thắng cảnh của đất nước, tự hào về những mảnh đất kiên trung, những anh hùng dân tộc đã đi vào huyền thoại để từ đó biến thành hành động của tuổi trẻ hôm nay cần phải làm gì để xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước vì sự trường tồn của dân tộc.

“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta,

Mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”

(Trích lời bài hát “Khát vọng tuổi trẻ” của nhạc sĩ Vũ Hoàng)

         Đó là lời kết thay cho bài viết này mà tôi muốn gửi đến tất cả các bạn đoàn viên thanh niên Trường THPT Nguyễn Huệ./.

                                                                 Bài và ảnh: Thùy Trang – Phó Bí thư Đoàn trường.

NHỮNG HOẠT ĐỘNG HƯỞNG ỨNG “THÁNG THANH NIÊN” CỦA ĐOÀN TRƯỜNG THPT NGUYỄN HUỆ

  • PDF.InEmail

         Hằng năm cứ tới tháng 3 - tháng mà tuổi trẻ cả nước luôn hăng hái thi đua lập thành tích chào mừng ngày truyền thống vẻ vang của Đoàn - Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931). Với tên gọi “Tháng thanh niên”, tháng 3 chính là dịp để tổ chức Đoàn tiếp tục khẳng định sứ mệnh thiêng liêng cao cả của mình: là đội dự bị tin cậy, là cánh tay đắc lực của Đảng. Cùng với sự phát triển của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các thế hệ thanh niên Việt Nam đã nối tiếp nhau viết lên truyền thống vẻ vang của Đoàn, đó là truyền thống yêu nước nồng nàn, trung thành tuyệt đối với Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, với lợi ích dân tộc; truyền thống xung kích cách mạng, xung phong tình nguyện, sẵn sàng đón nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; truyền thống hiếu học, cần cù sáng tạo, yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau...

Đối với Đoàn trường THPT Nguyễn Huệ, ngay từ những ngày cuối tháng 2, hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, nhằm đẩy mạnh phong trào tập luyện thể dục thể thao của học sinh trong nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất, giữ gìn sức khỏe, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, Đoàn trường THPT Nguyễn Huệ đã tổ chức triển khai bài thể dục giữa giờ trong các buổi học cho học sinh toàn trường; tổ chức giải bóng đá mini nam, nữ cho học sinh Khối 11. Các trận đấu diễn ra từ ngày 26/2/2017 đến ngày 18/3/2017. Kết quả: giải Nhất nữ thuộc về lớp 11/9, giải Nhất nam thuộc về lớp 11/1; giải Nhì nữ: 11/7, giải Nhì nam: 11/8; giải Ba nữ: 11/5 và 11/6, giải Ba: nam 11/4 và 11/9.

tr1

Các đội bóng đá nam, nữ của các lớp tham gia giải.

Hưởng ứng “Tết trồng cây”, Đoàn trường đã huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên tham gia trồng được 5000 cây xanh tại khu vực xung quanh trường. Đây là một hoạt động hết sức có ý nghĩa, góp phần hoàn thành kế hoạch trồng cây hàng năm của nhà trường, đồng thời thông qua hoạt động này, giáo dục cho đoàn viên, thanh niên có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tạo cảnh quan về ngôi trường với màu xanh thân thiện.

Quyết tâm thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó thì thanh niên làm”, Đoàn trường THPT Nguyễn Huệ thực hiện chương trình “Thanh niên xung kích” với những hoạt động rất thiết thực mang tính giáo dục cao. Mỗi buổi tan trường, Đội Thanh niên xung kích có nhiệm vụ phân luồng tại cổng trường nhằm giảm tải lượng xe của học sinh, hạn chế gây ách tắt giao thông tại trục đường chính. Song song với hoạt động này, Đoàn trường thực hiện công trình thanh niên với hai cụm panô và các băng rôn, khẩu hiệu nhằm tuyên truyền giáo dục đoàn viên, thanh niên của trường về ý thức chấp hành ATGT.

tr2

Công trình thanh niên và Đội Thanh niên xung kích của Đoàn trường THPT Nguyễn Huệ

        Hoà trong không khí tưng bừng của cả nước với các hoạt động mang nhiều ý nghĩa của “Tháng thanh niên”, Đoàn trường THPT Nguyễn Huệ tổ chức sinh hoạt kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2017) với nhiều hoạt động đầy ý nghĩa.

        Thời gian qua, công tác phát triển đoàn viên mới luôn được BTV Đoàn trường quan tâm, chú trọng. Đây là nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức Đoàn nhằm bổ sung cho Đoàn đội ngũ đoàn viên có chất lượng, đảm bảo về số lượng, mang tính kế thừa và phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức Đoàn trong thời kỳ mới. Trong buổi sinh hoạt này, Đoàn trường đã tổ chức Lễ kết nạp đoàn viên cho 24 thanh niên ưu tú vào hàng ngũ của Đoàn. Tại Lễ kết nạp, Đoàn trường cũng đã trao tặng 10 chiếc áo thanh niên cho 10 đoàn viên mới. Buổi Lễ kết nạp đoàn viên đã tạo được cảm xúc, khơi dậy niềm vinh dự, tự hào đối với các đoàn viên mới và cũng là động lực để các bạn thanh niên nỗ lực phấn đấu hơn nữa để được đứng vào hàng ngũ của Đoàn.

tr3 copy

Lễ kết nạp đoàn viên và trao áo thanh niên

Trong buổi sinh hoạt các bạn đoàn viên, thanh niên đã được gặp gỡ và giao lưu với anh Trần Viết Âu, Phó Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Chu Lai - Núi Thành nhằm trao đổi kinh nghiệm về lập thân lập nghiệp. Đây là dịp để các em có những chia sẻ, tâm sự, những điều thắc mắc muốn hỏi để được giải đáp, để có những định hướng giúp cho các em chọn ngành nghề trong tương lai.

tr4

Anh Trần Viết Âu nói chuyện về khởi nghiệp và giao lưu với đoàn viên, thanh niên của trường

            Để tạo không khí sôi nổi trong ngày Hội của Đoàn, Đoàn trường đã tổ chức các trò chơi dân gian ngoài trời như kéo co, nhảy bao bố. Đây là những trò chơi mang tính đoàn kết và tính tập thể cao. Với tinh thần thi đấu hết mình cùng những cổ động viên nhiệt tình, chiến thắng đã thuộc về các Chi đoàn 12/1 và 12/6.

tr5

Các đội thi kéo co và nhảy bao bố

            Tuyên truyền cho các đoàn viên thanh niên trong toàn trường về ý thức khi tham gia giao thông phải đội mủ bảo hiểm và lái xe an toàn với tốc độ thấp, Đoàn trường tổ chức cuộc thi đi xe đạp điện chậm có đội mủ bảo hiểm. Kết quả cuộc thi giải Nhất thuộc về Chi đoàn 12/7.

tr6

Thi đi xe đạp điện chậm có đội mủ bảo hiểm

Với chủ đề Bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn (ma túy, cờ bạc, thuốc lá, nghiện game online, mặt trái mạng xã hội, bạo lực học đường...), cuộc thi hóa trang đã thu hút rất nhiều người xem. Bằng các vật liệu đã qua sử dụng như giấy màu, giấy báo, lá cây, vỏ lon bia, bao nilong, ống hút, vỏ chai nhựa..., các đội dự thi đã có những ý tưởng sáng tạo độc đáo, có ý nghĩa về nội dung, đẹp về thiết kế trang phục, đã chuyển tải đến người xem rất nhiều thông điệp hay, hữu ích về các chủ đề trên. Đây là một hoạt động mang nhiều ý nghĩa và có tính tuyên truyền cao. Kết quả giải Nhất thuộc về Chi đoàn lớp 12/2, giải Nhì Chi đoàn lớp 12/6, ngoài ra BTC còn trao 2 giải Ba và 4 giải Khuyến khích cho các chi đoàn khác.

tr7

Giải Nhất và Nhì cuộc thi hóa trang

            Trong tiết trời êm ả của những ngày tháng 3 lịch sử, những hoạt động hưởng ứng “Tháng thanh niên” của Đoàn trường THPT Nguyễn Huệ đã khơi dậy trong lòng mỗi một đoàn viên, thanh niên niềm tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh qua 86 năm phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành, hy vọng rằng bằng sức trẻ và nhiệt huyết của tuổi thanh xuân, bằng niềm tin và lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với dân tộc, đoàn viên, thanh niên Trường THPT Nguyễn Huệ sẽ viết tiếp những trang truyền thống vẻ vang của Đoàn bằng sự phấn đấu không mệt mõi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình./.

                                                                                     Bài và ảnh: Ngô Thị Kim Anh

                                                                     Ủy viên BCH Đoàn trường – P. Chủ tịch HLHTN

CÔNG ĐOÀN TRƯỜNG THPT NGUYỄN HUỆ TỔ CHỨC SINH HOẠT KỶ NIỆM 107 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ (08/3/1910 – 08/3/2017) VÀ GIAO LƯU VỚI ĐƠN VỊ KẾT NGHĨA - TRƯỜNG THCS NGUYỄN DUY HIỆU CÙNG ĐOÀN SINH VIÊN THỰC TẬP TẠI TRƯỜNG

  • PDF.InEmail

Căm phẫn trước sự bóc lột cùng cực của chủ nghĩa tư bản cuối thế kỷ XIX, nhất là ở nước Mỹ, ngày 8/3/1899, tại hai thành phố Chicagô và New York (Mỹ) đã nổ ra cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nữ công nhân ngành dệt may đòi tăng lương, giảm giờ làm. Các cuộc đấu tranh đã có tiếng vang lớn, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của phụ nữ lao động trên toàn thế giới.

Trước sự lớn mạnh của phong trào phụ nữ trên thế giới, năm 1910, Hội nghị Quốc tế Phụ nữ với 17 nước tham dự được tổ chức ở Copenhagen (Thủ đô Ðan Mạch), đã quyết định lấy ngày 8/3 làm Ngày Quốc tế phụ nữ với mục đích đấu tranh đòi các quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em. Từ đó, ngày 08/3 hàng năm trở thành ngày Hội của phụ nữ thế giới, đoàn kết đấu tranh để tự giải phóng và thực hiện quyền nam, nữ bình đẳng.

 Để ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang, biểu dương tinh thần, lực lượng của phụ nữ thế giới nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng trong công cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc, hòa bình dân chủ, sự tiến bộ của xã hội, đồng thời tạo sân chơi bổ ích cho lực lượng nữ của hai đơn vị, ngày 08/3/2017, tại Biển Rạng, Núi Thành, Ban Chấp hành Công đoàn Trường THPT Nguyễn Huệ đã tổ chức sinh hoạt Kỷ niệm 107 năm Ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 – 08/3/2017) và giao lưu với đơn vị kết nghĩa Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu (xã Tam Trà) cùng Đoàn giáo sinh thực tập sư phạm tại Trường.

Mở đầu buổi sinh hoạt, đại diện hai trường và Đoàn giáo sinh thực tập sư phạm đã thể hiện tinh thần giao lưu đầy thân ái, tình cảm qua ba trò chơi: Kéo co, Cướp cờ và Chuyển bóng về đích. Các đội chơi đã tham gia đầy nhiệt tình, chơi hết mình tạo nên không khí sôi nổi, đoàn kết, gắn bó trong buổi sinh hoạt.

pn1

pn2

Các đội tham gia trò chơi Kéo co

Tại buổi sinh hoạt, cô Hoàng Thị Phương Chiên – Trưởng ban Nữ công của Trường THPT Nguyễn Huệ đã ôn lại lịch sử Ngày Quốc tế phụ nữ và Khởi nghĩa Hai Bà Trưng - hai vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đánh đuổi ngoại xâm giành lại nền độc lập, tự chủ cho đất nước.

Nhân ngày 08/3, thầy Nguyễn Hữu Thiện – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ và thầy Lê Văn Thạnh – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu thay mặt cho Chi bộ, Ban Giám hiệu và các thầy giáo hai trường đã tặng hoa chúc mừng cho nữ là trưởng các tổ chức đoàn thể của hai đơn vị và đại diện nữ giáo sinh thực tập sư phạm. Thầy giáo Nguyễn Hữu Thiện đã có những phát biểu nhằm biểu dương những thành tích mà nữ cán bộ, viên chức, lao động và  sinh viên đã đạt được trong thời gian qua đồng thời hi vọng trong thời gian tới, các cán bộ nữ của hai trường, các nữ giáo sinh thực tập sư phạm sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình trong gia đình, nhà trường và xã hội.

pn3

Đại diện lãnh đạo hai trường tặng hoa cho nữ cán bộ GV – NV và SVTT

 Buổi sinh hoạt còn là dịp để hai đơn vị kết nghĩa thể hiện tình gắn kết, tạo điều kiện cho CB- GV-NV của hai trường gặp gỡ, tâm sự và giao lưu, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các giáo sinh thực tập được trải nghiệm hoạt động ngoài giờ lên lớp, hiểu hơn về phong trào của nhà trường.

pn4

Thầy Nguyễn Hữu Thiện thay mặt CB, GV, NV Trường THPT Nguyễn Huệ tặng 5.000.000 đồng cho Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu

pn5

Thầy Lê Văn Thạnh thay mặt CB, GV, NV Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu

tặng quà cho Trường THPT Nguyễn Huệ

Buổi sinh hoạt đã để lại nhiều cảm xúc khác nhau trong lòng mỗi người. Đặc biệt là đối với các nữ CB-GV-NV, cảm thấy mình được quan tâm, được trân trọng trong mắt của phái mạnh, đây cũng là dịp để động viên họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, tiếp tục phát huy vai trò và trách nhiệm của người phụ nữ Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển nhà trường, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no xứng đáng với 8 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”./.

                                                                                                    Ảnh và bài: Thùy Trang

ĐOÀN TRƯỜNG THPT NGUYỄN HUỆ TỔ CHỨC LỄ KẾT NẠP ĐOÀN VIÊN MỚI ĐỢT I NĂM HỌC 2016-2017 CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 72 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944-22/12/2016)

  • PDF.InEmail

Hòa chung không khí tuổi trẻ cả nước thi đua chào mừng kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2016), ngày 10/12/2016 Đoàn trường THPT Nguyễn Huệ đã tổ chức các chi đoàn lao động, viếng hương và làm Lễ kết nạp đoàn viên mới đợt I năm học 2016 – 2017 cho 154 thanh niên ưu tú tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Hiệp.

DV01

Đoàn viên mới lao động tại nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Hiệp

Thời gian qua, công tác phát triển đoàn viên mới luôn được BTV Đoàn trường quan tâm, chú trọng. Đây là nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức Đoàn, nhằm bổ sung cho Đoàn đội ngũ đoàn viên có chất lượng, đảm bảo về số lượng, mang tính kế thừa và phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức Đoàn trong thời kỳ mới. Sau thời gian tham gia học tập lớp cảm tình Đoàn, 154 thanh niên ưu tú đã nhận thức rõ trách nhiệm, vai trò của người đoàn viên, luôn phấn đấu vì lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tích cực, gương mẫu trong học tập cũng như tham gia năng nổ trong các hoạt động của trường, lớp.

DV02

Đoàn viên mới viếng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Hiệp

Thông qua buổi Lễ kết nạp đoàn viên mới, đã tạo cảm xúc, khơi dậy niềm vinh dự, tự hào đối với các đoàn viên mới, đồng thời giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc cho thế hệ trẻ, qua đó đẩy mạnh phong trào thi đua rèn luyện, phấn đấu trở thành đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh trong thanh niên.

DV03

Đoàn viên mới kết nạp tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Hiệp DV04

Đại diện đoàn viên mới các Chi đoàn nhận Quyết định và huy hiệu Đoàn

Đến dự với buổi Lễ kết nạp đoàn viên mới có thầy giáo Lê Văn Trí – Chi ủy viên, Phó Hiệu trưởng nhà trường. Thầy đã có những phát biểu về hoạt động đầy ý nghĩa của Đoàn trường và tin tưởng rằng với sự nỗ lực, rèn luyện, phấn đấu của 154 thanh niên trong suốt thời gian qua, sau khi được đứng trong hàng ngũ của Đoàn, các bạn trẻ sẽ tiếp tục phấn đấu rèn luyện, xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh, tiếp tục giúp đỡ các thanh niên ưu tú sớm được đứng trong hàng ngũ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đoàn trường nhiệm kỳ 2016 – 2017 đã đề ra./.

 Tin và ảnh: Thùy Trang – Phó Bí thư Đoàn trường.

 5K

Số tài khoản ủng hộ Hội khuyến học:
Tên: Trường THPT Nguyễn Huệ
Số TK: 218 201 000 xyz
Tại ngân hàng NN&PTNT Quảng Nam
DANH SÁCH MẠNH THƯỜNG QUÂN
CỰU GIÁO VIÊN-HỌC SINH ỦNG HỘ

Xem tại đây: Danh sach cơ quan, cá nhân ủng hộ 20/11/2020 và 20 năm thành lập trường.

1. Công ty Hùng Hoàng Hoa: 10.000.000 VNĐ

2. Công ty Tấn Đức-Đà Nẵng: 20.000.000 VNĐ

3. Công ty sắt thép ThànhViệt: 2.000.000 VNĐ

4. Cựu HS Khóa 2000-2003: 6.500.000 VNĐ

5. Cựu HS Khóa 2006-2008: 3.000.000 VNĐ

6. Công ty TNHH gạch Đồng Tâm Nhất Nguyên: 5.000.000 VNĐ

7. Công ty Trầm Hương Hồng Ngọc: 15.000.000 VNĐ

Hội khuyến học nhà trường xin cảm ơn và ghi nhận tình cảm mạnh thường quân, các em Cựu HS. Chúc hạnh phúc và thành đạt!

Liên kết web

Hiện có 46 khách Trực tuyến

Gallery ảnh

Liên kết Portal mới

congelearning
tracnghiemonline1
csdlnganh
qoofice
solienlacdientu
tracuudiemthi
ooffice so
truonghocketnoi
facebookketnoi
tiengnoihocsinh

Liên hệ

logo_nguyenhue

Thầy Trần Văn Chương - Quản trị mạng
Tam Hiệp, Núi Thành, Quảng Nam
Tel: 0972.889345
Email: tranchuongnt@gmail.com

Thống kê

Các thành viên : 12
Nội dung : 588
Liên kết web : 120
Số lần xem bài viết : 2062376

Cấu hình bố cục

Hướng

Phong cách menu

Màu giao diện

TAVICO TOOLS