Bản tin trường

TIẾP SỨC MÙA THI NĂM 2019!

  • PDF.InEmail

Một mùa thi nữa lại về, những chiếc áo xanh tình nguyện lại được tô thắm thực hiện sứ mệnh của mình hành trình tình nguyện. Tiếp sức mùa thi là một trong nhiều hoạt động đầy ý nghĩa mà áo xanh tình nguyện mang đến cho cộng đồng. Chương trình được thực hiện nhằm giúp đỡ các thí sinh dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng trong mùa tuyển sinh hàng năm.

Nằm trong chuỗi các hoạt động hè 2019, thực hiện sự chỉ đạo của Đoàn cấp trên, BTV Đoàn trường THPT Nguyễn Huệ đã phối hợp với Đoàn xã Tam Hiệp cũng đã tổ chức chiến dịch “Tiếp sức mùa thi” mang nhiều ý nghĩa. Đặc biệt năm nay còn có thêm sự góp mặt đội hình tiếp sức của sinh viên Trường ĐH Quảng Nam, trong đó có nhiều em là cựu học sinh của trường.

Sáng ngày 21/6/2019, các bạn ĐVTN đã ra quân dọn vệ sinh khuôn viên trường, lau chùi bàn ghế, cửa kính, tháo gỡ các băng rôn cũ…chuẩn bị các điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất để các em bước vào kì thi THPT Quốc gia 2019. Đặc biệt trong chuỗi những ngày diễn ra kì thi THPT quốc gia 2019 (25, 26, 27/6) những chiếc áo xanh tình nguyện lại có mặt từ rất sớm ở cổng trường THPT Nguyễn Huệ. Điểm mới trong đợt tiếp sức mùa thi năm nay là đội tình nguyện không chỉ phân luồng giao thông, tiếp nước uống cho học sinh và phụ huynh mà còn phát miễn phí bút, thước, compa, quạt giấy…cho các thí sinh, đặc biệt còn thành lập được Đội tiếp ứng nhanh sẵn sàng giúp đỡ thí sinh về phương tiện đi lại khi gặp sự cố, khó khăn xảy ra trên đường đi thi. Mặc dù túc trực nhiều ngày dưới ánh nắng chói chang của mùa hè nhưng với niềm nhiệt tình của sức trẻ, các bạn ĐVTN đã làm việc hết mình không biết mệt mỏi. Những nụ cười dễ thương, gương mặt rạng rỡ của các tình nguyện viên là nguồn động lực giúp cho các thí sinh xua tan đi những lo lắng bỡ ngỡ trong những ngày thi căng thẳng.

Kết quả trong ba ngày thi, các tình nguyện viên đã tiếp sức nước uống và những vật dụng cho học sinh khi thi như: nước suối đóng chai, sữa uống, nước trà đá, thước kẻ, thước tính, compa, bút viết, tẩy, quạt giấy .… và nước uống cho phụ huynh đưa, đón học sinh trước cổng trường.

Hy vọng rằng chương trình “Tiếp sức mùa thi” sẽ ngày càng lớn mạnh hơn nữa, sẽ giúp cho thêm nhiều hơn nữa các thí sinh và truyền ngọn lửa nhiệt tình cho thế hệ trẻ - thế hệ thanh niên Việt Nam giàu nhiệt huyết và trách nhiệm với cộng đồng./

Tin và ảnh: Thùy Trang – Bí thư đoàn trường

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

a1

a2

a3

a4

a5

a6

a7

TẤM GƯƠNG SÁNG TRONG HỌC TẬP NĂM 2019

  • PDF.InEmail

Năm học 2018 - 2019 vừa khép lại, đánh dấu một năm đầy nổ lực của thầy và trò Trường THPT Nguyễn Huệ. Nhìn lại một năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhất định, nhưng nhờ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Lãnh đạo các cấp các ngành, sự điều hành, quản lý của nhà trường; sự nhiệt tình, tâm huyết, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, tất cả vì học sinh thân yêu của đội ngũ thầy cô giáo; đặc biệt là sự vươn lên trong học tập, tích cực tham gia các phong trào thi đua, rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống, vượt qua mọi khó khăn của các em học sinh nên nhà trường đã đạt được các mức chỉ tiêu đề ra, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của năm học.

Trong phong trào thi đua học tốt, rèn luyện đạo đức, Trường THPT Nguyễn Huệ có nhiều tấm gương tiêu biểu, là niềm tự hào của bao thế hệ học trò hôm nay và mai sau. Một trong những tấm gương tiêu biểu đó là cô học trò Lê Thùy Na chăm chỉ, ngoan ngoãn và gương mẫu trong mọi phong trào.

Thùy Na sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả ở thôn Đa Phú II xã Tam Mỹ Đông huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam. Bố mẹ đều làm nông để trang trải cho cuộc sống gia đình, tiếp bước cho em được đến trường. Nhà có ba chị em gái. Vì gia đình khó khăn, thương ba mẹ vất vả nên em luôn ngoan ngoãn, gắng sức học hành chăm chỉ.

Hiện em là học sinh lớp 11/1 Trường THPT Nguyễn Huệ. Với niềm say mê ham học hỏi và sự nhiệt tình chỉ bảo của thầy cô đã giúp em đạt được những thành tích đáng kể. Cả 11 năm học em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, đặc biệt năm học lớp 10 em đạt Huy chương Bạc môn sinh học 10 trong kì thi Olympic cấp Tỉnh. Năm học này, em càng khẳng định mình hơn với chiếc Huy chương Vàng đầu tiên trong kỳ thi Olympic cấp Tỉnh mà em đã đem về cho trường, kết quả cuối năm học 2018 - 2019 em đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc nhất trường với điểm trung bình các môn học 9.1.

1

Ảnh: Em Lê Thùy Na nhận khen thưởng trong Lễ bế giảng năm học 2018 – 2019

Khi được hỏi về bí quyết học tập của mình để có được kết quả cao như vậy. Em vui vẻ trả lời: thật sự em cũng không có bí quyết gì đặc biệt. Chỉ là ngoài việc tiếp thu, nắm chắc những kiến thức trên lớp từ thầy cô, qua trao đổi với bạn bè thì em nhận thấy rằng việc tự học là rất cần thiết. Đặc biệt là em rất đam mê đọc sách.

Em luôn đặt ra mục tiêu cho mình trong học tập và không ngừng nổ lực để đạt được mục tiêu ấy. Phương châm của em là “Trên bước đường thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng”.

               Khi được hỏi về ước mơ của mình sau này, em tiếp tục chia sẻ: “sau này em muốn trở thành Bác sĩ để có thể chữa bệnh, giúp đỡ cho những người nghèo. Khi xem các chương trình trên tivi như chương trình “Điều ước thứ 7”, em thật sự xúc động và cảm thấy mình còn may mắn hơn nhiều hoàn cảnh éo le ngoài xã hội. Em ước mơ mình có thể làm được điều gì đó để giúp đỡ mọi người…em biết là để đạt được ước mơ đó thật khó nhưng em sẽ luôn cố gắng từng ngày”.

2Thật đáng trân trọng, em Lê Thùy Na đã ghi thêm bề dày thành tích cho nhà trường cũng như đóng góp vào thành tích của ngành giáo dục Quảng Nam. Tin chắc rằng trong tương lai em sẽ trở thành người có ích cho xã hội, đem tài trí của mình để xây dựng một đất nước Việt Nam vững mạnh vươn lên tầm cao mới, đúng như trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu

tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ đã từng căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Hi vọng rằng, ngoài tấm gương nổ lực trong học tập như em Lê Thùy Na. Thầy cô trường THPT Nguyễn Huệ sẽ tiếp tục ươm mầm nhiều hơn nửa cho thế hệ trẻ mai sau, xứng danh với ngôi trường mang tên vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ./.

Ảnh: Góc học tập của em Lê Thùy Na

Tin và ảnh: Thùy Trang – Bí thư đoàn trường

ĐOÀN TRƯỜNG THPT NGUYỄN HUỆ TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG CHÀO MỪNG 73 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 – 22/12/2017) VÀ 28 NĂM NGÀY QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 – 22/12/2017)

  • PDF.InEmail

Kế thừa và phát huy truyền thống 73 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2017); hưởng ứng kỷ niệm 28 năm ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2017). Đoàn trường THPT Nguyễn Huệ đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm giáo dục và tiếp bước ngọn lửa truyền thống đến các đoàn viên thanh niên trong nhà trường.

Sáng ngày 18/11/2017, Đoàn trường đã mời bác Phạm Hữu Ba – Nguyên cán bộ chính trị học viện quốc phòng Việt Nam, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Huyện Núi Thành đến nói chuyện với học sinh toàn trường trong tiết sinh hoạt chào cờ về truyền thống của quân đội ta. Bác là một nhân chứng sống trong thời kì khói lửa của chiến tranh, những câu chuyện của bác đã để lại nhiều cảm xúc khác nhau trong lòng mỗi đoàn viên thanh niên.

dt22a

dt22b

Thời gian qua, công tác phát triển đoàn viên mới luôn được BTV Đoàn trường quan tâm, chú trọng. Đây là nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức Đoàn, nhằm bổ sung cho Đoàn đội ngũ đoàn viên có chất lượng, đảm bảo về số lượng, mang tính kế thừa và phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức Đoàn trong thời kỳ mới. Chiều ngày 21/12/2017, Đoàn trường đã tổ chức lễ kết nạp đoàn cho 138 thanh niên ưu tú sau một quá trình tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu không ngừng. Thông qua buổi Lễ kết nạp đã khơi dậy niềm vinh dự, tự hào đối với các đoàn viên mới được kết nạp; qua đó đẩy mạnh phong trào thi đua rèn luyện, phấn đấu trở thành đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh trong thanh niên.

dt22c

dt22d

Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”, trong chuỗi các hoạt động của tháng 12, Đoàn trường tiếp tục phát động thực hiện công trình thanh niên đến các chi đoàn và được sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình từ các lớp. Thông qua hoạt động đã góp phần giáo dục cho đoàn viên, thanh niên có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tạo cảnh quan về ngôi trường xanh, sạch, đẹp./.

dt22e

dt22f

dt22h

TIN VÀ ẢNH: THÙY TRANG - PBT ĐOÀN TRƯỜNG

Chuyện: LỄ PHONG HÀM ĐẠI TƯỚNG CHO NGƯỜI ANH CẢ QUÂN ĐỘI - VÕ NGUYÊN GIÁP.

  • PDF.InEmail

Vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng và trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi mới ở tuổi 37. Đức độ, tài năng, khiêm tốn và giản dị, dân chủ và bao dung, thanh cao và quyết đoán - đó là nhân cách, phong cách của nhà quân sự thiên tài được hun đúc từ đất nước có mấy ngàn năm lịch sử - Võ Nguyên Giáp vị tướng tài đức vẹn toàn, một con người Việt Nam đã thuộc về nhân loại.

VNGaNgười thanh niên quê hương Lệ Thủy, Quảng Bình, mãnh đất của gió Lào và cát trắng, sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nhưng nơi đây cũng nhận sự ưu ái của tạo hóa, Động Phong Nha Kẻ Bàng di sản thiên nhiên thế giới; quê hương sản sinh cho dân tộc Việt Nam, nhân loại trong thế kỷ XX một vị tướng hùng anh Võ Nguyên Giáp.

Qua một hành trình dài: từ một nhà giáo dạy sử, nhà báo, nhà hoạt động cách mạng, nhà quân sự thiên tài. Với con đường tự học, tự rèn bằng sự trãi nghiệm thông qua thực tiễn Võ Nguyên Giáp trở thành một vị tướng kiệt xuất.

            (Sắc lệnh số: 110/SL phong hàm đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tổng chỉ huy quân đội quốc gia, ngày 20/01/1948. (ảnh tư liệu))

   Năm 1948 đồng chí Võ Nguyên Giáp lúc bấy giờ 37 tuổi (1911-1948) trở thành vị đại tướng đầu tiên Việt Nam và được quân đội ta gọi bằng cái tên kính yêu: Anh Cả.

               Ngày 20 tháng 01 năm 1948 tại Việt Bắc, sau chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 110/SL, phong hàm đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tổng chỉ huy quân đội quốc gia; sắc lệnh 112/SL, phong hàm trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình, chỉ huy quân sự miền Nam; sắc lệnh 111/SL, phong hàm thiếu tướng cho Nguyễn Sơn, do đồng chí Nguyễn Sơn ở xa nên chủ tịch ủy ban hành chính liên khu 4 được ủy nhiệm làm lễ thụ phong.

               Trong tác phẩm “Vị tướng đầu tiên quân đội nhân dân Việt Nam”, thượng tướng Phùng Thế Tài kể lại: Hôm đó, đúng 13giờ chiều ngày 27/05/1948 tại Lục Rã chân đèo Re, Quốc hội, Chính phủ tổ chức buổi Lễ long trọng phong hàm đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Hồ Chủ tịch và cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng Ban Thường vụ Quốc hội đứng hai bên bàn thờ Tổ quốc. Toàn thể nhân viên Chính phủ xếp hàng ở phía trước. Bác bước ra trước bàn thờ Tổ quốc, tay cầm bản Sắc lệnh, và gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp ra đứng bên cạnh. Mọi người chờ đợi Bác cất tiếng, mà sao chẳng thấy Bác nói gì. Mọi người hướng ánh mắt về Bác, Bác đưa tay cầm khăn mùi xoa lau nước mắt. Lúc này ai cũng xúc động, những giây phút im lặng thiêng liêng, 5 phút..7 phút và Bác mới cất tiếng, giọng trầm trầm:

VNGb“Các cụ ta qua bao thế hệ chiến đấu cho độc lập mà không thành, nhắm mắt mà chưa thấy được dân tộc tự do. Chúng ta may mắn hơn nhưng còn phải bao nhiêu hy sinh cố gắng. Hôm nay, việc phong tướng cho chú Giáp là kết quả của bao nhiêu gian khổ hy sinh, chiến đấu đồng bào, đồng chí, chúng ta phải quyết giành được độc lập, tự do để thoải lòng những người đã mất”. Nói xong, Bác giao bản sắc lệnh cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và Bác nói với Võ Nguyên Giáp: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác trao cho chú hàm đại tướng để chú điều khiển binh sĩ, làm tròn sứ mệnh mà nhân dân phó thác cho”.  

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau lễ phong quân hàm Đại tướng, tại Lục Rã, chân đèo Re, ngày 27/5/1948. (ảnh tư liệu)

Liên tưởng câu chuyện phong tướng đồng chí Võ Nguyên Giáp, lời nói Bác đầm ấm và ngấm lệ, ngẫm mà chạnh lòng cho một lớp người tiền bối; Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học, Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp … họ khởi xướng, lãnh đạo các phong trào đấu tranh chống Pháp, tìm đường cứu giống nòi và họ ngã xuống nhưng trong sự uất hận mất nước, chưa thấy ánh mặt trời.

Phan Bội Châu cả cuộc đời vì dân vì nước để rồi …Trong hai lần viết tự thuật, cụ Phan thật khiêm nhường khi nói về mình: “Than ôi! Bao nhiêu năm bôn tẩu, mưu tính trăm việc mà không nên một việc gì, nghĩ mình lỗi nặng, tội nhiều...” (trích: Ngục trung thư),Than ôi! Lịch sử của tôi là lịch sử một trăm lần thất bại mà không một thành công(trích: Phan Bội Châu niên biểu). Trong lời điếu đọc trước mộ Phan Châu Trinh, cụ Huỳnh Thúc Kháng tỏ bày: “Thôi đất vàng một nắm, giấc mộng nghìn thu, sự nghiệp anh hùng ngày nay hết cuộc. Chúng tôi chỉ mong mai sau này những người kế chí tiên sinh, làm cho vẻ vang dân tộc Việt Nam ta. Thì linh hồn tiên sinh sẽ được yên ổn mà ngậm cười nơi chín suối vậy”. Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ Hồ Chí Minh) qua đời ngày 27-11-1929 tại Sa Đéc (Đồng Tháp); từ túp lều tranh Bến Ngự (Huế), Phan Bội Châu có gửi lời viếng bạn tri ân. Trùng tuyền hạ, đối án hàn huyên, cầm sắt hữu thanh giai quốc thảo. Tạm dịch là: Dưới suối vàng, cùng nhau trò chuyện, tình bạn Sắt San đều vì việc nước. (Sắc - Nguyễn Sinh Sắc; San: Phan Văn San khai sinh Phan Bội Châu)

Duy có cụ Huỳnh Thúc Kháng thuộc lớp người khoa bảng, nhưng may mắn hơn được sống và làm việc sau năm 1945. Cụ đã thấy được, hưởng được tự do độc lập. Thư cụ gửi cho Hồ Chủ tịch lúc lâm chung đã nói lên điều đó. Từ Quảng Ngãi, trên giường bệnh, ngày 14/4/1947 Cụ đọc cho người thư kí riêng của mình ghi bức thư gửi Hồ Chủ tịch: “Kính gửi cụ Hồ Chủ tịch! Tôi bệnh nặng chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã độc lập chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả. Chỉ tiếc không được gặp Cụ lần cuối cùng. Chúc Cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân trên đường vinh quang hạnh phúc. Chào vĩnh quyết! ” .

Thế kỷ XX thế kỷ của những chiến công lừng lẫy, những chiến công ấy sánh với mấy ngàn năm lịch sử dân tộc, như: Bạch Đằng, Chi Lăng, Xương Giang, Đống Đa… và gắn liền với vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Trong những thập niên 50, 60, 70 thế kỷ XX, bè bạn tiến bộ trên thế giới xuống đường ủng hộ Việt Nam họ hô vang: Việt Nam! Hồ Chí Minh! Giáp! Giáp…! Một vị tướng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà hy sinh chiến đấu. Quân đội gọi ông là Anh Cả; bè bạn, đồng chí gọi ông là Anh Văn, gia đình gọi ông là Võ Nguyên Giáp, kẻ thù (trong chiến tranh) gọi ông là tướng Giáp, thế giới gọi ông là vị tường huyền thoại. Còn ông, quên mình và hướng về nhân dân. Nhân chuyến về thăm quê hương nói chuyện với học sinh: “Niềm tin của nhân dân như ngọn đèn không tắt. Đừng bao giờ quên cái gốc của mình từ nhân dân mà ra. Ở nơi đâu bất cứ hoàn cảnh nào cũng đừng phụ tấm lòng trông đợi của nhân dân… ” Trả lời báo nước ngoài: “Vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng huyền thoại, nhưng tôi tự nghĩ, tôi bình đẳng với những người lính của mình” . Võ Nguyên Giáp, học trò xuất sắc, gần gũi Hồ Chí Minh, vị tướng tài đức vẹn toàn, một con người Việt Nam đã thuộc về nhân loại./.

Tin và ảnh: PHAN HÀ

KỶ NIỆM 73 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM VÀ 28 NĂM NGÀY QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN

  • PDF.InEmail

22-12aNgày 22- 12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Chỉ thị nhấn mạnh: "Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền..., đồng thời nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc..."

Ngày 22-12-1944, tại khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập, gồm 3 tiểu đội với 34 chiến sĩ được lựa chọn từ những chiến sĩ Cao-Bắc-Lạng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

            22-12bĐồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách Kế hoạch-Tình báo, đồng chí Vân Tiên (Lộc Văn Lùng) quản lý. Đội có chi bộ Đảng lãnh đạo.

            Chỉ có 34 người, với 34 khẩu súng các loại nhưng đó là những chiến sĩ kiên quyết, dũng cảm trong các đội du kích Cao-Bắc-Lạng, Cứu quốc quân,... là con em các tầng lớp nhân dân bị áp bức, họ có lòng yêu nước, chí căm thù địch rất cao, đã siết chặt họ thành một khối vững chắc, không kẻ thù nào phá vỡ nổi. Sau lễ thành lập, đội tổ chức một bữa cơm nhạt không rau, không muối để nêu cao tinh thần gian khổ của các chiến sĩ cách mạng, đội tổ chức “đêm du kích” liên hoan với đồng bào địa phương để thắt chặt tình đoàn kết quân dân.

            Chấp hành chỉ thị “phải đánh thắng trận đầu”, ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt (17 giờ chiều 25-12-1944) và sáng hôm sau (7 giờ ngày 26-12-1944) đột nhập đồn Nà Ngần, tiêu diệt gọn 2 đồn địch, giết chết 2 tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng.

            Hai trận đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần thắng lợi đã mở đầu truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của quân đội ta suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
Từ ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân luôn phát triển và trưởng thành. Ngày 22-12-1944 được xác định là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của một tổ chức quân sự mới của dân tộc ta. Một quân đội của dân, do dân, vì dân; luôn gắn bó máu thịt với dân, luôn luôn được dân tin yêu, đùm bọc.

            22-12cLịch sử 62 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của quân đội ta gắn liền với lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc. Một đội quân được Đảng và Bác Hồ rèn luyện, đã từng là những đội tự vệ đỏ trong cao trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh, đội du kích Bắc Sơn, Nam Kỳ, Ba Tơ, Cao Bắc Lạng, Cứu quốc quân đến Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Một đội quân lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đã nối tiếp nhau bao thế hệ cầm súng chiến đấu, cùng toàn dân đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược hung bạo, giành lại độc lập thống nhất và bảo vệ vững chắc bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam XHCN và làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang đối với cách mạng hai nước Lào và Cam-pu-chia anh em.

            Năm 1989, theo chỉ thị của Ban bí thư Trung ương Đảng và quyết định của Chính phủ, ngày 22-12 hàng năm không chỉ là ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là ngày Hội quốc phòng toàn dân. Từ đó, mỗi năm, cứ đến ngày này, toàn dân Việt Nam lại tiến hành các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội, nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, giáo dục lòng yêu nước, yêu CNXH, động viên mọi công dân chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Các hoạt động như mít tinh, hội thảo, hội nghị đoàn kết quân dân, giáo dục truyền thống, biểu diễn văn nghệ, đại hội thanh niên, thi đấu thể thao, hội thao quân sự,... được diễn ra ở khắp làng, xã, cơ quan đoàn thể, cơ sở đơn vị...

           Những hoạt động của ngày hội như vậy nhằm động viên cán bộ, chiến sĩ không ngừng nâng cao cảnh giác, ra sức rèn luyện bản lĩnh chính trị và trình độ quân sự, không ngại gian khổ, vượt qua khó khăn, trong mọi hoàn cảnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

            22-12dPhát huy thành tích to lớn đã đạt được trong hơn 70 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tham gia xây dựng kinh tế đất nước và thực hiện tốt hơn chức năng làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, góp phần xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bảo vệ hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới, xứng đáng với tên gọi: Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.

Ảnh và bài: PHAN HÀ

TẤM GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TRONG ĐOÀN VIÊN THANH NIÊN CỦA TRƯỜNG VỚI TINH THẦN VƯỢT KHÓ TRONG HỌC TẬP VÀ CUỘC SỐNG

  • PDF.InEmail

Hồ Chí Minh là một trong những nhà tư tưởng lớn, vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng của Việt Nam – “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa của thế giới”. Ở Người luôn thể hiện rõ nét chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết chiến đấu; đức tính giản dị, khiêm tốn, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần vì nước, vì dân. Người không để lại những tác phẩm đạo đức lớn nhưng những tư tưởng lớn của Người về đạo đức được thể hiện trong những bài nói, bài viết ngắn gọn. Bản thân Người lại thực hiện trước nhất những tư tưởng ấy, nhiều hơn cả những điều Người đã nói, đã viết về đạo đức. Người mãi mãi là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo.

Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa XII về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; trong những năm qua cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh trường THPT Nguyễn Huệ (Quảng Nam) luôn hưởng ứng và thực hiện tốt cuộc vận động này. Trong đó có nhiều tấm gương tiêu biểu điển hình đã nêu cao tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.

Hưởng ứng cuộc thi viết về “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Bí thư Trung ương Đoàn phát động, tôi xin được kể về một tấm gương điển hình trong đoàn viên thanh niên của trường với tinh thần vượt khó trong học tập và cuộc sống, đó là em Nguyễn Văn Say – Học sinh lớp 11/1 Trường THPT Nguyễn Huệ (Quảng Nam).

10

Em Say được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng giàu truyền thống cách mạng. Nhà có ba chị em đang tuổi ăn học, cha là người trụ cột chính của gia đình nhưng bị mắc bệnh hiểm nghèo phải nằm một chỗ nhiều năm liền, không còn khả năng lao động, nhà lại phụng dưỡng thêm bà nội đã ngoài 90 tuổi cũng thường xuyên đau ốm, bao nhiêu gánh nặng nhọc nhằn đều đè nặng lên đôi vai của mẹ em. Say là con út trong gia đình, hai chị thì đi học ở xa nên ngoài giờ học chính ở trường, bao nhiêu thời gian còn lại em đều dành để phụ giúp cho mẹ, đỡ đần cho gia đình. Là một cậu bé đang tuổi ăn học như bao bạn bè cùng trang lứa không phải lo nghĩ gì, còn đối với em thì phải lo toan cho cuộc sống rất nhiều. Hằng ngày, ở nhà em thường nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, chăm sóc cho bà nội và người cha bị bệnh; không những vậy em còn cắt cỏ chăn bò, ra ruộng phụ mẹ làm đồng. Gia đình chỉ sống nhờ vào mấy sào ruộng nên kinh tế cũng rất chật vật, chính vì vậy mà Say không có điều kiện để được đi học thêm nhiều như các bạn, ngoài giờ học chính khóa trên lớp.

Mặc dù hoàn cảnh rất đặc biệt, nhưng không vì thế mà làm em nản chí. Ở trường em luôn là tấm gương sáng để các bạn học tập. Suốt 11 năm học từ lớp 1 đến lớp 11, em đều giữ được danh hiệu học sinh giỏi. Ngoài ra, em còn tham gia nhiều cuộc thi do địa phương, nhà trường tổ chức và đã đạt những thành tích rất đáng ghi nhận như: Đạt giải khuyến khích cuộc thi vở sạch chữ đẹp cấp Huyện năm học 2010 – 2011, Đạt giải ba Hội thi vẽ tranh cấp THCS do Phòng giáo dục đào tạo Núi Thành (Quảng Nam) tổ chức năm học 2014 - 2015, được Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (Núi Thành – Quảng Nam) tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào cờ đỏ của nhà trường, được Hội Khuyến học Xã Tam Mỹ Đông (Huyện Núi Thành – Quảng Nam) tặng giấy khen vì đã có thành tích “Vượt khó học tập tốt”…Đặc biệt, trong hai năm học ở Trường THPT Nguyễn Huệ, ngoài danh hiệu học sinh giỏi, em còn đạt nhiều thành tích khác như: Năm học 2015 – 2016 em đạt giải khuyến khích cuộc thi viết chữ đẹp do nhà trường tổ chức với chủ đề “Chữ đẹp viết lời tri ân”, trong năm học 2016 – 2017 em đạt Huy chương Bạc môn Vật lý trong kỳ thi Olympic cấp Tỉnh, đặc biệt em còn tham gia Cuộc thi trực tuyến “Thanh thiếu niên với lịch sử, văn hóa, con người xứ Quảng” chào mừng kỷ niệm 20 năm tái lập Tỉnh Quảng Nam (1997 – 2017) do Tỉnh đoàn Quảng Nam tổ chức và em đạt giải Ba (Đợt 4), được tham gia hoạt động về nguồn cùng với những đoàn viên ưu tú và nhận thưởng tại Khu di tích Khu ủy khu V thuộc xã Sông Trà huyện Hiệp Đức tỉnh Quảng Nam. Ngoài việc học, Say còn là một cán bộ đoàn gương mẫu, năng nổ trong các hoạt động của nhà trường và địa phương. Trong hai năm học ở trường THPT em giữ chức vụ Bí thư chi đoàn cùng phối hợp với các đồng chí trong BCH chi đoàn và ban cán sự lớp đã đưa phong trào của lớp đi lên và luôn giữ vị trí lớp tốt toàn diện. Em luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà thầy cô, bạn bè đã tín nhiệm giao phó.

11

Khi được tôi hỏi bí quyết nào đã giúp em vượt lên hoàn cảnh để đạt được những thành tích cao trong học tập như vậy? Say đã mỉm cười với tôi và tâm sự: “Thời gian của em chủ yếu là học buổi tối vì ban ngày phải phụ giúp mẹ làm việc nhà, bản thân em tự học là chính, mỗi ngày em học một ít rồi dần dần cũng thu nhận được vốn kiến thức cho mình”. Câu trả lời của em thật đơn giản nhưng có lẽ đó cũng là một kinh nghiệm lớn để chia sẻ cho các bạn của mình về phương pháp học tập. Nghe những dòng tâm sự của em, tôi lại nhớ đến lời căn dặn của Bác với các anh hùng lực lượng vũ trang vào năm 1966: “…Đừng ham học nhiều. Một ngày học 5 chữ thôi, nhưng phải nhớ thật chắc... Học tràn lan thì không nhớ gì hết. Có công mài sắt có ngày nên kim, việc học tập cũng thế. Biết cách học, có quyết tâm thì nhất định học được”.

Tôi còn nhớ, năm Say mới bước vào lớp 10, em là một học sinh rất nhút nhát nhưng không ngờ lại trở thành một cán bộ Đoàn năng nổ như vậy. Nói về điều này, Say cũng mạnh dạn chia sẻ: “Thực sự, ban đầu em rất mặc cảm với bạn bè về hoàn cảnh gia đình mình, nhưng nhờ tham gia công tác Đoàn đã giúp em xóa đi mọi khoảng cách với mọi người, sống hòa đồng hơn, năng động hơn và cảm thấy mình trưởng thành rất nhiều từ trong phong trào Đoàn”. Những lời tâm sự của Say đã làm cho nhiều bạn đoàn viên thanh niên phải học tập, ngưỡng mộ về tinh thần, nghị lực vươn lên của bản thân em.

Ở trường, em luôn là một học sinh ngoan, hiền được thầy cô và bạn bè yêu mến. Khi hỏi về Say, em Hoàng Lê Thanh Tùng – người bạn cùng lớp, cùng quê với Say đã nói: “Say là một người bạn mà tụi em cần phải học tập rất nhiều, bạn ấy luôn sống hòa đồng với mọi người, luôn có tinh thần trách nhiệm cao với các hoạt động của lớp và còn giúp đỡ nhiều bạn bè trong lớp cùng tiến bộ”. Không những vậy, về địa phương, Say cũng tích cực tham gia trong mọi hoạt động và được địa phương tuyên dương khen thưởng, động viên cả về vật chất lẫn tinh thần. Khi nói chuyện với ba của Say, thì ba của em cũng nghẹn ngào trong nước mắt và tâm sự: “Nhìn con học giỏi lại ngoan hiền, tôi mừng lắm…mừng khỏe ra còn hơn cả uống thuốc chỉ tiếc là bản thân mình không thể làm được gì để lo cho con ăn học đầy đủ như bao người khác”. Những dòng tâm sự đó đã phần nào thấy được nỗi niềm của người cha đối với con và đối với em Say thì đó như một nguồn động viên cho em cần phải cố gắng nhiều hơn nửa để ba luôn tự hào về mình, có thể yên tâm và khỏe mạnh hơn.

Khi được hỏi về ước mơ tương lai sau này em sẽ dự định chọn nghề gì? Say đã nói: “Ước mơ lớn nhất của em là muốn trở thành một người chiến sĩ công an, học ngành đó đỡ tốn học phí, ra trường lại có việc làm và đó cũng là niềm đam mê của em từ nhỏ”. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, tương lai để em theo đuổi ước mơ của mình còn rất dài nhưng điều đó cũng cho thấy em là một người sống có hoài bão, hi vọng rằng một tương lai không xa ước mơ của em sẽ trở thành hiện thực. Đó cũng là một tấm gương, một lời nhắc nhở với những bạn đoàn viên thanh niên chưa xác định được mục tiêu, con đường đi cho cuộc đời mình, chưa biết tương lai mình sẽ làm gì để đóng góp dựng xây quê hương đất nước. Lúc sinh thời, trong buổi nói chuyện với đồng bào cả nước vào ngày 31 tháng 5 năm 1946 tại cuộc mít tinh tổ chức trước quảng trường Nhà hát thành phố Hà Nội, Bác đã từng nói: “Cả đời tôi chỉ có mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân…Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng theo đuổi một mục đích là làm cho ích quốc lợi dân.”. Để đạt được mục đích đó, Bác đã đánh đổi cả cuộc đời mình với đầy gian nan thử thách nhưng cuối cùng Bác đã chèo lái đưa con thuyền cách mạng Việt Nam cập bến vinh quang.

Tấm gương của em Nguyễn Văn Say quả là một tấm gương sáng điển hình trong đoàn viên thanh niên về tinh thần vượt khó học tập, về hoài bão sống của em. Câu chuyện của tôi kể trên đây tuy chưa miêu tả hết cuộc sống của em và gia đình nhưng em Say xứng đáng là một hóa hoa thơm trong khu vườn xuân đang đâm chồi nảy lộc.

Qua cuộc thi này, tôi hi vọng rằng sẽ còn nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu trong đoàn viên thanh niên được biết đến, để tiếp thêm ngọn lửa, soi sáng cho thế hệ trẻ làm nhiều việc tốt, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc ngày càng tươi đẹp hơn như lời Bác Hồ từng nói: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”./.

                                       Ảnh và bài: Thùy Trang – Phó bí thư đoàn trường

12

13

14

 5K

Số tài khoản ủng hộ Hội khuyến học:
Tên: Trường THPT Nguyễn Huệ
Số TK: 218 201 000 xyz
Tại ngân hàng NN&PTNT Quảng Nam
DANH SÁCH MẠNH THƯỜNG QUÂN
CỰU GIÁO VIÊN-HỌC SINH ỦNG HỘ

Xem tại đây: Danh sach cơ quan, cá nhân ủng hộ 20/11/2020 và 20 năm thành lập trường.

1. Công ty Hùng Hoàng Hoa: 10.000.000 VNĐ

2. Công ty Tấn Đức-Đà Nẵng: 20.000.000 VNĐ

3. Công ty sắt thép ThànhViệt: 2.000.000 VNĐ

4. Cựu HS Khóa 2000-2003: 6.500.000 VNĐ

5. Cựu HS Khóa 2006-2008: 3.000.000 VNĐ

6. Công ty TNHH gạch Đồng Tâm Nhất Nguyên: 5.000.000 VNĐ

7. Công ty Trầm Hương Hồng Ngọc: 15.000.000 VNĐ

Hội khuyến học nhà trường xin cảm ơn và ghi nhận tình cảm mạnh thường quân, các em Cựu HS. Chúc hạnh phúc và thành đạt!

Liên kết web

Hiện có 20 khách Trực tuyến

Gallery ảnh

Liên kết Portal mới

congelearning
tracnghiemonline1
csdlnganh
qoofice
solienlacdientu
tracuudiemthi
ooffice so
truonghocketnoi
facebookketnoi
tiengnoihocsinh

Liên hệ

logo_nguyenhue

Thầy Trần Văn Chương - Quản trị mạng
Tam Hiệp, Núi Thành, Quảng Nam
Tel: 0972.889345
Email: tranchuongnt@gmail.com

Thống kê

Các thành viên : 12
Nội dung : 588
Liên kết web : 120
Số lần xem bài viết : 2055780

Cấu hình bố cục

Hướng

Phong cách menu

Màu giao diện

TAVICO TOOLS