Nhớ mãi ngày ấy ngôi trường xưa - Thầy Trương Quang Thạnh

  • PDF.InEmail

Nhớ mãi Ngày ấy Ngôi trường xưa.

Trương Quang Thạnh

Nguyên hiệu trưởng -

Giám đốc TTGDTX-HN Núi Thành

Năm 2000, trường THPT Núi Thành được thành lập. Đây là một loại trường ra đời nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng nhiều của thanh niên huyện Núi Thành trong khi hai trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn không thu nhận hết.

Ngày 03 tháng 9 năm 2000, tôi từ trường THPT Núi Thành về nhận công tác, ban đầu với chức danh xử lý hiệu trưởng có nhiệm vụ tổ chức điều hành chuẩn bị mọi hoạt động của trường THPT BC Núi Thành mới ra đời theo Điều lệ trường Trung học phổ thông và thực hiện ngân sách theo Thông tư 44.

Ngày đó, khi mới thành lập, trường còn gặp rất nhiều khó khăn. Không có phòng học, bàn ghế, bảng đen, không có kinh phí...

Để sớm ổn định nề nếp buổi ban đầu, tôi cùng các thầy cô giáo trong hội đồng họp khẩn cấp vào chiều ngày 03 tháng 9 năm 2009 để bàn cách huy động học sinh dự ngày tựu trường khai giảng đầu tiên và chuẩn bị mọi mặt cho năm học mới 2000-2001 bắt đầu. Cái khó nhất Hội đồng tham gia thảo luận sôi nổi làm tôi nhớ mãi không quên đó là: “Khai giảng ở đâu? Học ở đâu? Học sinh bao nhiêu lớp? Ở đâu?... Cách thông tin cho học sinh đến dự khai giảng như thế nào?...Và cuối cùng Hội đồng sư phạm đã cho lời đáp: Xin khai giảng chung cùng trường THPT Núi Thành vào ngày 05 tháng 9 năm 2000 và phải khẩn trương đi thông báo học sinh tập họp “khai giảng thử” vào chiều ngày 04 tháng 9 năm 2000. Sở dĩ cần phải có lời giải gấp vì còn một ngày duy nhất cho ngày tựu trường đầu tiên của trường và về mặt tâm lý, hầu hết phụ huynh, học sinh đều lo lắng, băn khoăn đến sự học mà trường lớp, thầy cô giáo chưa có. Hơn nữa các em học sinh đang học hệ bán công trong trường công có điều kiện học tập hơn nay tách ra về trường mới trong khi chưa có gì, đấy cũng là điều dễ hiểu và thông cảm cho buổi ban đầu.

Với sự nhiệt tình, khí thế về trường mới và trách nhiệm cao của mỗi thành viên ở trường, sau cuộc họp đầu tiên ấy, mỗi thầy cô giáo, nhân viên khẩn trương bắt tay vào công việc được phân công một cách say sưa cần mẫn. Tôi nhớ nhất là Thầy Lương Văn Long  tự nhận nhiệm vụ thuê máy âm li, acquy rồi đèo lên xe Hon-da cá nhân chạy đi thông báo khắp huyện, từ Nông trường Đức Phú Tam Thạnh, xuống Tam Anh, ra Tam Xuân, về Thị trấn, lên Tam Mỹ, về Tam Nghĩa, xuống Tam Quang, qua Tam Hải...về Tam Hiệp để thông báo cho học sinh biết ngày và địa điểm khai giảng.

 

Thế rồi, sự thành công ban đầu đã đến. Chiều ngày 04 tháng 9 năm 2000 trường đã có học sinh. Thầy, trò làm công tác chuẩn bị khai giảng khẩn trương: phân công lớp học, chỗ ngồi, mang cờ, khẩu hiệu, đồng phục....và rồi ngày khai trường năm học mới, năm học đầu tiên của ngôi trường mới thành lập cũng thành công “tốt đẹp”.

Khai trường xong, thầy trò chúng tôi cùng nhau chuẩn bị cho năm học mới. Thầy Trần Văn Nhựt - Giám đốc TTGDTX Núi Thành - cho trường mượn tạm 10 phòng học dãy lầu (10 phòng dãy trệt dùng để dạy học viên BTVH) và một số phòng để làm việc. Có phòng học là mừng lắm rồi. Nhưng cái khó tiếp lại là không có bàn ghế bảng đen, máy vi tính...

Rất may mắn kịp thời cho trường, lúc này là Sở Giáo dục-Đào tạo Quảng Nam duyệt cấp cho trường mới thành lập 250 bộ bàn ghế học sinh, 10 bộ bàn ghế giáo viên, 10 bảng đen. Thế là cơ sở vật chất tạm đủ cho thầy trò đi vào giảng dạy, học tập.

 

Về kinh phí, tháng đầu năm học chưa được cấp. Đó là điều dễ thông cảm: chưa có kế toán, chưa có con dấu, chưa có tài khoản, không có sách giáo khoa, chưa có điện thoại...Để có thể giải quyết khó khăn này trường động viên thầy cô giáo tự khắc phục và trường cũng nhận được sự đồng cảm chia sẻ của quý thầy cô.

Còn về láp đặt điện thoại bàn để làm việc, Trường được chị Trần Thị Lâm (Giám đốc Bưu điện Núi Thành lúc ấy) ưu ái cho mượn cá nhân bằng tiền mặt 500.000 đồng để lắp đặt ngay trong tuần đầu vào học.

Về đội ngũ cán bộ, thầy cô giáo, nhân viên buổi ban đầu lúc ấy chỉ có 20 người. Hầu hết đều là thầy cô giáo tự nguyện chuyển qua từ trường THPT Núi Thành và một số thầy cô giáo, nhân viên hợp đồng. Tôi nhớ mãi và biết ơn quý thấy cô ngày ấy: Thầy Nguyễn Đức Độ, Thầy Lê Khắc Tâm, Thầy Trần Quang Trúc, Thầy Lương Văn Long, Cô Lê Thị Nở, Cô Nguyễn Thị Quỳnh Hoa....Các thầy cô về với trường bởi một tấm lòng “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Các thầy cô tự xoá đi mặc cảm, vứt bỏ nỗi buồn nghiệp “Trồng người” tự an ủi mình bởi từ “Giáo viên bán công”. Thật ra, lúc ấy, dù ít hay nhiều: “Trường bán công”, “Thầy bán công”, “Học sinh bán công”... chưa được coi trọng, đề cao, thông cảm, chia sẻ, hiểu đúng.

Cũng vào thời điểm đó, trường được bổ sung một số thầy cô giáo mới ra trường về công tác: Cô Trương Thị Nghĩa, Cô Nguyễn Thị Xuân Dược, Nguyễn Thị Kim Ánh, Cô Võ Thị Kim Quỳnh, Thầy Lê Kiện, Cô Lê Thị Sen (đã mất), Lê Thị Hồng Y cùng các nhân viên khác: Cô Trần Thị Thu, Trần Thị Thuỷ, Ngô Thị Thanh Kha,....

Đội ngũ CB - GV càng ngày càng đông hơn. Đây là lực lượng quan trọng để xây dựng nhà trường non trẻ. Điều không thể nào quên trong tâm trí tôi đến ngày hôm nay về quý thầy cô giáo, nhân viên lúc ấy là “Tinh thần trách nhiệm trong công việc và phong cách sống đầy tình người”. Trước bao khó khăn vất vả về trường lớp, học sinh đầu vào thấp, hay nghịch ngợm, thiếu thốn kinh phí...nhưng ở mỗi thầy cô giáo luôn tự an ủi và an ủi nhau để vượt tất cả. Sau những tiết dạy vất vả, sau những giờ lao động cùng học sinh thân yêu thầy cô lại gặp nhau, lại đến thăm nhà nhau trò chuyện uống ly cà phê, ly trà tâm sự nghề nghiệp. Trên gương mặt mỗi người đều rạng rỡ niềm vui, niềm hạnh phúc vì thấy hết ý nghĩa việc mình làm. Đặc biệt, nhờ có sự xuất hiện và khiếu khôi hài của thầy Lê Kiện mà hội đồng có thêm những phút giây thư giản, những mệt mỏi sau giờ dạy cũng vì thế mà vơi đi.

.

Đang vui, đầm ấm trong nghĩa tình đồng nghiệp thì nỗi buồn lại ập đến. Tai nạn bất ngờ đã cướp đi sinh mạng của một giáo viên trẻ - Cô Lê Thị Sen - giáo viên môn Hoá. Đó là một mất mát quá lớn. Cô “ra đi” quá đột ngột mà chưa kịp có lời chào từ giã Hội đồng. Tôi còn nhớ, chiều ngày 15 tháng 11 năm 2000 (Thứ 4) sau tiết dạy cuối, cô lên gặp tôi gởi đơn xin phép được nghỉ họp Hội đồng ngày mai (Thứ 5) 16 tháng 11 năm 2000 để về quê (Thôn 5, Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam) giải quyết việc nhà. Nào ngờ đâu sáng ngày 16 tháng 11 năm ấy, trong chuyến đi định mệnh về miền Tây Quảng Nam (Trà My) cô cùng người mẹ thân yêu đã vĩnh viễn ra đi bởi dòng nước oan nghiệt cuốn trôi tại Tiên Phước. 20 tháng 11 năm ấy cũng là ngày tiễn đưa cô. Thật buồn cho một ngôi trường mới chưa tròn một tuổi, chưa một lần có ngày “Nhà giáo Việt Nam 20.11” để có một niềm vui trong buổi đầu làm nhà giáo. Rất đáng thương, đáng nhớ cho một con người ở lứa tuổi đôi mươi, đầy nhiệt huyết, đầy tình cảm lại ra đi đột ngột như vậy.

Đội ngũ thầy cô giáo ngày đầu tựu trường là như vậy. Còn đối với học sinh của trường. Trường có 15 lớp với 714 học sinh lớp. Buổi ban đầu về trường các em còn nhiều bỡ ngỡ lo âu mọi thứ: đóng học phí cao, thầy cô giáo mới, điều kiện học tập thiếu thốn. Tuy vậy, với sự động viên của nhà trường, Đoàn Thanh niên, sự gần gũi, thông cảm, chia sẻ của các thầy cô cùng với hoạt động tập thể khác các em dần bớt đi mặc cảm tự ti, các em tự tin vào chính khả năng của mình hơn. Từ đó các em phấn đấu vươn lên trong học tập, không ngừng rèn luyện hạnh kiểm để trở thành người tốt. Hầu hết học sinh đều ngoan. Một kỷ niệm đẹp của các em để lại năm ấy đối với thầy cô là ngày bế giảng và phát thưởng cuối năm các em có mặt rất đông đủ, buổi lễ bế giảng trang nghiêm và chia tay nhau về nghỉ hè, chia tay mái trường cũ với lòng đầy lưu luyến. Có thể nói năm học đầu tiên này nhà trường rất ít mở Hội đồng kỷ luật để giáo dục xử lý học sinh. Hình ảnh đó là niềm động viên to lớn đối với trường và thầy cô giáo.

Bên cạnh đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường chăm lo vun đắp cho sự phát triển bền vững của trường; thầy trò chúng tôi được sự quan tâm của Sở Giáo dục- Đào tạo, Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện, các ban ngành đoàn thể ở địa phương. Đặc biệt là sự quan tâm thiết thực của Hội Phụ huynh học sinh. Sự quan tâm chia ngọt xẻ bùi về tinh thần và vật chất của Hội PHHS nói chung và anh Nguyễn Anh Dũng Chủ tịch Hội nói riêng đã để lại cho Hội đồng sư phạm nhà trường với biết ơn sâu sắc.

Thế rồi, năm học đầu tiên của trường 2000-2001 với bao khó khăn vất vả của buổi ban đầu cũng khép lại với sự thành công tốt đẹp. Những kỷ niệm đẹp của ngày đầu của một ngôi trường không thể nào quên trong mỗi người thầy, người cô, phụ huynh, học sinh thời ấy.

Chia tay Trung tâm GDTX Núi Thành. Năm học 2001-2002 thầy, trò được chuyển ra trường mới xây tại thôn 8 xã Tam Hiệp, Núi Thành. Tuy là trường mới nhưng vỏn vẹn có một dãy phòng học 2 tầng với 12 phòng học do Sở Giáo dục đầu tư (Giai đoạn 1) và Công ty xây lắp 3 do anh Nguyễn Văn Lệnh làm đội trưởng trực tiếp xây dựng. Buổi ban đầu xây dựng cũng rất vất vả: Không điện, không nước, không mặt bằng, không tường rào cổng ngõ, cây cối um tùm, hố rác ngổn ngang... chỉ có hai  nhà kho ọt ẹp (sau này cải  tạo lại làm phòng họp) vì vậy rất vất vả cho đội xây lắp với công trình đảm bảo tiến độ cho ngày khai giảng năm học mới này.

Năm học 2001-2002, năm đầu tiên về trường mới. Có nhiều việc thầy trò phải làm vừa ổn định cho sự phát triển dạy học, vừa xây dựng cảnh quan trường học. Số lớp, số học sinh tăng lên từ 15 lớp năm trước tăng thêm 7 lớp năm học này. Đội ngũ thầy cô giáo cũng được bổ sung thêm - mà chủ yếu là giáo viên hợp đồng. Nỗi vất vả của thầy trò năm này là lao động cải tạo mặt bằng. Được sự giúp đỡ của địa phương, nhà trường xin được đất cấp phối thải ra từ việc xây dựng đường 618, trường chỉ tốn tiền chuyên chở. Đến cuối học kỳ I của năm học mặt bằng cơ bản đã tạm ổn, có chỗ cho học thể dục, tập thể thao, huấn luyện học tập giáo dục quốc phòng. Còn tường rào cổng ngõ chưa có, với thói quen đi lại trước đây của nhân dân địa phương nên cảnh quan trường học nhếch nhác: nào là bò trâu chăn thả tự do, phóng uế bừa bải; nào là xe đạp, xe công nông đi qua, đi lại trong giờ học. Trước tình thế ấy, trường được Hội cha mẹ phụ huynh học sinh và Công ty bảo hiểm Bảo Việt cùng giúp trường kinh phí để đúc trụ bê tông và rào kẽm gai xung quanh trường góp phần ổn định nề nếp nhà trường. Bên cạnh đó trường cũng tích cực trồng cây xanh, cây cảnh để chống ồn (Trường quá gần dường sắt Bắc Nam) và cải tạo môi trường xanh sạch đẹp.

Bước sang năm học 2002-2003, trường tiếp tục ổn định và phát triển. Số lớp, số học sinh, đội ngũ thầy cô giáo cũng tăng lên. Trường có được một số kinh nghiệm trong công tác giáo dục, dạy học của loại hình này. Một trong những thành công đó là  phải biết mặt mạnh gì để phát huy, mặt yếu nào cần đầu tư giải quyết. Với trường Bán công, học sinh hầu hết đầu vào thấp, học yếu hay nghịch. Từ đó  trường đẩy mạnh các hoạt ngoài giờ lên lớp bằng các hoạt động thiết thực để dần dần thu hút cảm hoá học sinh, tạo cho các em niềm tin đến với trường. Hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, thuyết trình văn học được chú ý đầu tư như: Tổ chức sinh hoạt văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền ở các khối lớp. Kết quả hoạt này rất khả quan: Đội bóng chuyền học sinh của trường nhiều năm liền đạt huy chương vàng, huy chương bạc trong các lần Hội khoẻ Phù Đổng cấp tỉnh, học sinh tham gia thuyết trình văn học đạt giải cấp tỉnh.

Về cơ sở vật chất: Năm học này Sở Giáo dục - Đào tạo tiếp tục quan tâm đầu tư vốn (Giai đoạn 2) để Công ty xây lắp 3 do anh Bảo làm đội trưởng xây dựng thêm phòng hiệu bộ, phòng họp Hội đồng, thư viện, tường rào cổng ngõ. Từ đó thầy trò rất an tâm dạy học vì có nơi  để làm việc, sinh hoạt hội họp, đọc sách…

Hai năm học 2003-2004 và 2004-2005 trường vẫn tiếp tục ổn định và phát triển về mọi mặt. Số lớp, số học sinh và đội ngũ thầy cô giáo lại tăng lên. Sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương phụ huynh học sinh cũng sâu sát hơn. Từ đó động viên được thầy trò duy trì đẩy mạnh các hoạt động từng bước nâng chất lượng các hoạt động có hiệu quả, nhất là chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh và chất lượng dạy học. Trường bắt đầu chọn  học sinh học khá ở các khối lớp để thành lập lớp các lớp chọn. Về cơ sở vật chất, Trường có thêm 10 phòng học 2 tầng, cảnh quan trường học ngày càng đẹp hơn.

Từ 3 năm học 2005-2006, 2006-2007, 2007-2008, sự phát triển của trường vẫn được giữ vững về chất lượng và số lượng. Đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ nhân viên luôn đoàn kết, tích cực tham gia vào các hoạt động của ngành và địa phương. Các năm học này, trường đã có nhiều học sinh thi sinh đậu vào các trường cao đẳng, đại học như lớp 12/8 (Cô Đỗ Thị Thanh Hương ), lớp 12/8 (Cô Từ Thị Thu Thuỷ ), lớp 12/1 ( Cô Trương Thị Ái Nghĩa). Sự đỗ đạt ấy tuy còn quá ít so với số lượng học sinh lớp 12 của trường nhưng cũng để lại một niềm vui, sự động viên to lớn đối với nhà trường nói chung và đặc biệt là các thầy cô giáo; và đồng thời khẳng định học sinh trường Bán công cũng vào được đại học cao đằng, xoá đi phần nào mặc cảm của các em và góp phần củng cố vị thế cho trường phát triển trong tương lai.

 

Các năm học này, BCH Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh rất chăm lo đến các hoạt động ngoại khoá. Đội bóng chuyền của CBGVNV, học sinh đạt có vị trí cao trong các lần giao hữu của ngành và huyện.

Cơ sở vật chất cũng được xây dựng thêm như: Sân trường bêtông, lối đi, nhà xe học sinh (Nguồn vốn do đóng góp của Hội phụ huynh và Đoàn viên thanh niên), phòng thí nghiệm: Lý, Hoá, Sinh, phòng học thực hành vi tính góp phần từng bước hoàn chỉnh cơ sở dạy học và hoạt động của trường.

Thời gian trôi qua, 10 năm một chặng đường chưa dài với biết bao thăng trầm tưởng chừng như nhà trường không vượt qua nỗi. Thế mà mười năm …mười năm ấy biết bao công sức, tâm huyết của BGH, đội ngũ CBGVNV, phụ huynh, học sinh và sự quan tâm của Sở Giáo dục - Đào tạo các cấp chính quyền, nhà trường đã chắt chiu, vun trồng để có hoa thơm quả ngọt như ngày hôm nay : trường lớp khang trang, chất lượng dạy học ngày một chuyển biến tốt hơn, niềm tin của xã hội về trường được củng cố. Bao thế hệ học sinh ra được ra trường đã trưởng thành trong các lĩnh vực công tác cũng từ mái trường này.

Giờ đây, tên trường Bán công Núi Thành ngày ấy không còn nữa. Tôi cũng không còn công tác ở trường nữa. Âu đó cũng là tất yếu của sự phát triển mà thôi. Hôm nay, tôi trở lại thăm trường với bao niềm vui xen lẫn nỗi xúc động bồi hồi. Tôi nhớ lại những năm tháng trôi qua của một ngôi trường sao mà quá nhiều kỷ niệm. Điều đó khiến tôi không khỏi nao lòng.

Tôi trân trọng những thành quả khiêm tốn mà thầy trò đã vun đắp trong 10 năm qua. Xin cảm ơn quý thầy cô giáo đã đồng hành cùng tôi cho sự phát triển của ngôi trường này.

Dù xa trường, nhưng lúc nào tôi cũng dành cho các thầy cô giáo, quý vị phụ huynh, các em học sinh thân yêu những tình cảm chân thành; luôn quan tâm đến sự phát triển trường Nguyễn Huệ ngày hôm nay và  vinh dự vì được góp phần bé nhỏ công sức cùng thầy cô ngày ấy dưới mái trường Bán công Núi Thành.

 5K

Số tài khoản ủng hộ Hội khuyến học:
Tên: Trường THPT Nguyễn Huệ
Số TK: 218 201 000 xyz
Tại ngân hàng NN&PTNT Quảng Nam
DANH SÁCH MẠNH THƯỜNG QUÂN
CỰU GIÁO VIÊN-HỌC SINH ỦNG HỘ

Xem tại đây: Danh sach cơ quan, cá nhân ủng hộ 20/11/2020 và 20 năm thành lập trường.

1. Công ty Hùng Hoàng Hoa: 10.000.000 VNĐ

2. Công ty Tấn Đức-Đà Nẵng: 20.000.000 VNĐ

3. Công ty sắt thép ThànhViệt: 2.000.000 VNĐ

4. Cựu HS Khóa 2000-2003: 6.500.000 VNĐ

5. Cựu HS Khóa 2006-2008: 3.000.000 VNĐ

6. Công ty TNHH gạch Đồng Tâm Nhất Nguyên: 5.000.000 VNĐ

7. Công ty Trầm Hương Hồng Ngọc: 15.000.000 VNĐ

Hội khuyến học nhà trường xin cảm ơn và ghi nhận tình cảm mạnh thường quân, các em Cựu HS. Chúc hạnh phúc và thành đạt!

Liên kết web

Hiện có 31 khách Trực tuyến

Gallery ảnh

Liên kết Portal mới

congelearning
tracnghiemonline1
csdlnganh
qoofice
solienlacdientu
tracuudiemthi
ooffice so
truonghocketnoi
facebookketnoi
tiengnoihocsinh

Liên hệ

logo_nguyenhue

Thầy Trần Văn Chương - Quản trị mạng
Tam Hiệp, Núi Thành, Quảng Nam
Tel: 0972.889345
Email: tranchuongnt@gmail.com

Thống kê

Các thành viên : 12
Nội dung : 586
Liên kết web : 120
Số lần xem bài viết : 2046923

Cấu hình bố cục

Hướng

Phong cách menu

Màu giao diện

TAVICO TOOLS