KỶ NIỆM 131 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (1/5/1886 - 1/5/2017)

KỶ NIỆM 131 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG

( 1/5/1886 - 1/5/2017)

Hà Phan

1-5Ngày Quốc tế Lao động 1/5 ra đời từ cuộc đấu tranh của những người công nhân nước Mỹ những năm cuối thế kỷ XIX (1/5/1886). Do lòng tham vô độ của giới tư bản, bóc lột bằng tăng giờ làm đã đẩy công nhân đến cùng cực. Không còn con đường nào khác công nhân đứng lên đấu tranh. Từ cuộc bãi công không đến nhà máy của hơn 40.000 công nhân với giới chủ tư bản ở công xưởng tại Chicago họ tổ chức mittinh, biểu tình trên đường phố với biểu ngữ "Từ ngày hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ học tập", ngọn lửa đấu tranh, bãi công của công nhân đã lan sang thành cuộc biểu tình lớn tại các bang, trung tâm thành phố lớn ở nước Mỹ và thành phố Washington, NewYork, Boston...Trong những ngày đó, số người tham gia tại các trung tâm công nghiệp trên 5.000 cuộc bãi công với 340.000 công nhân tham gia.

Cuộc bãi công, biểu tình của công nhân bị giới chủ tư bản lúc này đàn áp nặng nề. Hàng trăm công nhân bị giết và bị thương, nhiều nhất là các thủ lĩnh công đoàn bị cầm tù, tra tấn. Vụ đàn áp này gây ra chấn động lớn với công nhân và tổ chức công đoàn toàn thế giới. Ở các nước Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan... công đoàn lãnh đạo công nhân tổ chức nhiều cuộc tuần hành, biểu tình bày tỏ sự đồng tình với công nhân Mỹ.

Đây là thắng lợi của giai cấp công nhân, của phong trào công nhân toàn thế giới. Hơn một năm sau (11/1897), chính quyền buộc ban hành đạo luật ngày làm việc 8 giờ. Ba năm sau đó kể từ cuộc bài công Chicago ngày 14/7/1889, Đại hội thành lập Quốc tế cộng sản lần thứ II được triệu tập tại Paris (Pháp), phong trào đấu tranh của công nhân nhà máy tại Chicago nói riêng và công nhân Mỹ nói chung được đưa lên bàn nghị sự. Và cũng từ diễn đàn thành lập Quốc tế cộng sản lần II, Nghị quyết lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới và cũng từ đó ngày 1/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động. Một năm sau (1890) lần đầu tiên Ngày Quốc tế Lao động 1/5 được tổ chức quy mô trên phạm vi toàn thế giới.

Trong cả thế kỷ XX nhất là từ khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công (1917) và những năm sau đó Liên Xô xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành thành trì phe xã hội chủ nghĩa, ngày 1/5 như là biểu tượng của thắng lợi của giai cấp vô sản. Qua ngày này, các nước biểu lộ tình đoàn kết với những người lao động các nước khác trên toàn thế giới. Hồ Chí Minh nói về mối tình đoàn kết không biên giới của giai cấp vô sản

                                          "Quan sơn muôn dặm một nhà,

                                       Bốn phương vô sản đều là anh em ".

Ngày 1/5 ở các nước tư bản chủ nghĩa là ngày biểu dương cho lực lượng lao động, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ và tiến bộ công bằng xã hội; cũng là ngày các tổ chức công đoàn đã có những yêu sách với giới chủ tư bản có những chính sách tốt hơn nhằm hướng đến cải thiện đời sống những người lao động.

Ở Việt Nam, giai cấp công nhân ra đời sau so với các nước Châu Âu, Châu Mỹ... Từ khi thực dân Pháp khai thác nước ta lần thứ nhất (1897 - 1913) thì giai cấp công nhân mới bắt đầu ra đời và đến cuộc khai thác lần II (1919 - 1929) cả nước lúc này công nhân khoảng 22 vạn. Công nhân việt Nam ra đời trong lòng đất nước thuộc địa, phong kiến nên cuộc đấu tranh với tư bản mại bản (tư bản Pháp) gắn kinh tế với đấu tranh chính trị. Vấn đề dân tộc độc lập được đặt lên hàng đầu trong các cuộc đấu tranh hơn là tăng lương, giảm giờ làm. Sự phát triển các phong trào thể hiện từ tự phát đến tự giác. Biểu hiện rõ nhất ngày 1/5/1925 công nhân Chợ Lớn (Sài Gòn), công nhân đường sắt Dĩ An (Đà Nẵng) biểu tình bày tỏ ý chí bảo vệ Liên bang Xô viết. Cuộc bãi công của công nhân đóng tàu Ba Son (Sài Gòn) tháng 8/1925, bãi công đòi tăng lương giảm giờ và đặc biệt cuộc bãi công ủng hộ cuộc đấu tranh công nhân Thượng Hải (Trung Quốc) là biểu hiện ban đầu đấu tranh có tổ chức của giai cấp công nhân Việt Nam. Những cuộc đấu tranh đầu tiên ấy đánh dấu sự kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, một mốc son trong phong trào công nhân Việt Nam phát triển từ tự phát đến tự giác.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930), dưới sự lãnh đạo Đảng giai cấp công nhân luôn lấy ngày 1/5 làm ngày đoàn kết đấu tranh. Cuộc đấu tranh ngày 1/5/1930 là khởi đầu của cao trào cách mạng 1930 - 1931, là bước ngoặt gắn tình đoàn kết của giai cấp công nhân Việt Nam với công nhân toàn thế giới. Lần đầu tiên ở Việt Nam, một nước thuộc địa mà từ thành thị đến nông thôn, từ miền Bắc, miền Trung và miền Nam nhiều nơi treo cờ Đảng để mitinh, tuần hành. Đảng đã hướng dẫn, vận động Công hội, công nhân biểu tình, kỷ niệm Quốc tế Lao động 1/5, đấu tranh đòi quyền lợi và qua đó tỏ tình đoàn kết với công nhân lao động toàn thế giới.

Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 18/2/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh số 22c/NV/CC quy định ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức của nước ta. Tiếp đó, ngày 29/4/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh số 56, theo đó công nhân được hưởng nguyên lương ngày nghỉ Lễ Quốc tế Lao động 1/5. Ngày 1/5/1946 lần đầu tiên Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức trên toàn đất nước, hơn 20 vạn nhân dân lao động được tề tựu về tại Quảng trường Ba Đình để dự Lễ Quốc tế Lao động 1/5. Tại đây Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi "... Cùng đồng bào Tổ quốc! Cùng anh, em lao động! Ngày 1/5 là ngày tết chung cho lao động các nước trên thế giới. Đó là ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ơ nước ta lần này là lần đầu mà đồng bào ta, anh chị em lao động ta, được tự do đón tiếp ngày 1/5. Vậy nên ý nghĩa càng sâu xa hơn nữa...".

Hơn 30 năm đổi mới (1986 - 2017) cùng với quá trình phát triển của đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam đã có những bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, đóng góp hơn 65% tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách nước nhà. Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 20/NQ-TW về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hiện nay, với lực lượng gần 9 triệu đoàn viên, gần 130 nghìn công đoàn cơ sở, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách; chủ động sáng tạo, đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động để thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo công nhân viên chức lao động và hành động sát thực hơn, ý nghĩa hơn với vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân viên chức lao động.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nêu rõ: “Quan tâm, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của công nhân; bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc, nhà ở, các công trình phúc lợi phục vụ cho công nhân; sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, …để bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân”.

Kỷ niệm 131 năm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, kỷ niệm 42 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017). Phát huy truyền thống quý báu của dân tộc và giai cấp công nhân Việt Nam, kỷ niệm 131 năm Ngày Quốc tế Lao động, giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta nguyện đoàn kết, sát cánh cùng công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng./.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: