CUỘC HÀNH TRÌNH ĐẾN NHỮNG “ĐỊA CHỈ ĐỎ” 4 TỈNH MIỀN TRUNG CỦA ĐOÀN TRƯỜNG THPT NGUYỄN HUỆ

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn trường nhiệm kì 2016 - 2017, Đoàn trường THPT Nguyễn Huệ đã tổ chức cho cán bộ Đoàn tham quan tại các địa chỉ đỏ ở Quảng Nam, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình trong hai ngày 08,09/4/2017. Tham gia Đoàn tham quan có Thầy giáo Nguyễn Hữu Thiện – Đại diện Chi bộ, Ban Giám hiệu nhà trường; Chú Nguyễn Văn Thương – Trưởng ban Đại diện cha mẹ học sinh trường cùng 35 đồng chí trong BCH Đoàn trường, đại diện BCH Chi đoàn Giáo viên - Nhân viên và chi đoàn các lớp.

Hành trình đến những “Địa chỉ đỏ” 4 tỉnh miền Trung bắt đầu từ 5h00 sáng ngày 08/4/2017. Điểm dừng chân đầu tiên của Đoàn là Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

dc1

dc2Công trình Nhà lưu niệm AHLS Nguyễn Văn Trỗi khang trang bề thế với một không gian thờ tự, một gian đón tiếp, sinh hoạt cộng đồng và các khu phụ trợ. Trong không gian thờ tự, ngoài gian thờ chính, hai bên được bố trí trưng bày những hình ảnh, tư liệu và hiện vật về cuộc đời AHLS Nguyễn Văn Trỗi cùng với những tặng phẩm lưu niệm của đoàn thể và nhân dân khi đến viếng hương. Với niềm biết ơn vô hạn khi biết về cuộc đời và cái chết đã đi vào lịch sử của anh Trỗi, Đoàn tham quan đã dâng hương, hoa tưởng niệm.

        Thầy giáo Nguyễn Hữu Thiện thay mặt cho Đoàn viết lên những dòng cảm xúc của mình vào Sổ lưu niệm để thể hiện lòng tri ân, tôn kính người anh hùng trẻ tuổi của mảnh đất Điện Bàn kiên trung, bất khuất - người con ưu tú của quê hương Quảng Nam.

 Những dòng cảm xúc của Thầy giáo Nguyễn Hữu Thiện ghi trong Sổ lưu niệm

Đến 16h00 cùng ngày, Đoàn tham quan đã có mặt tại danh thắng Phong Nha – Kẻ Bàng (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), một trong những kì quan thiên nhiên của thế giới mà người ta thường gọi là “Thiên Nam Đệ nhất động”. Để đến được động, chúng tôi phải đi thuyền trên dòng sông Son hơn 40 phút. Cảnh nước non sông núi quyến rũ với vô vàn hình ảnh kỳ thú dần hiện ra như khêu gợi trí tưởng tượng của mọi người. Bơi thuyền qua cửa động, cảm giác oi nồng của miền Trung gió Lào lập tức biến mất, càng vào sâu trong động, ánh sáng càng nhạt dần rồi mất hẳn,  một thế giới u linh, kỳ thú … hiện ra.

Theo các nhà khoa học, quá trình phong hóa tạo thành hang động ở Phong Nha là quá trình tự nhiên đã diễn ra cách đây hơn 250 triệu năm. Dạng địa hình chính của Phong Nha - Kẻ Bàng là núi đá vôi và núi đất, độ cao trung bình 600 mét, thành hẹp, vách đứng. Động Phong Nha nằm ở phần đông nam khối núi đá vôi Kẻ Bàng trong một vùng đá vôi bị phong hóa mạnh, diện tích khoảng 10.000 km2, kéo dài 200 km lên phía bắc dãy Trường Sơn, thông cả sang Lào.

Với chiều dài 7.729m, sâu 83m, cao 50m với rất nhiều nhánh hang phụ lớn nhỏ bao gồm cả hang Bi Kí, hang Tiên và hang Cung Đình. Đây là loại hình động nước chảy ngầm trong lòng núi với nhiều thạch nhũ đặc trưng. Tương truyền rằng, chính những măng đá rũ xuống ở cửa hang đã góp phần tạo nên cái tên đầy thi vị "Phong Nha", tức là "Gió luồn qua kẽ răng".


           Phong Nha quả là điểm đến đầy lý tưởng của nhiều du khách trong và ngoài nước, là một công trình kiệt tác của tạo hóa về giá trị thẩm mỹ và sự độc đáo. Chính vì vậy, phong cảnh nơi đây đã để lại nhiều dấu ấn cho Đoàn tham quan chúng tôi, không muốn rời bước khỏi chốn này mặc dù hoàng hôn đã buông dần xuống dòng sông Son.

 dc3

Sau một ngày hành trình, đoàn đã dừng chân nghỉ ngơi tại Khách sạn White Rose, thành phố Đồng Hới – Quảng Bình.

            6h30 phút sáng ngày 09/4/2017, cuộc hành trình theo dòng chảy lịch sử - văn hóa của đất nước được tiếp tục. Cả đoàn 37 người cất vang lời ca trong suốt hành trình đã làm xua đi mệt mõi trên dặm đường dài, cuối cùng trên đất Quảng Bình, chúng tôi cũng đã đến được nơi yên nghỉ cuối đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ngôi mộ của Đại tướng tọa lạc giữa một vùng thiên nhiên thanh tịnh, phía trước có biển Vũng Chùa – Đảo Yến thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách Quốc lộ 1A hơn 2km về phía Đông. Dọc con đường vào mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp có 103 cây hoa mai, 103 cây hoa ban Điện Biên, đường lên mộ có 103 bậc thang bằng gỗ, tượng trưng cho 103 tuổi của Đại tướng.

Đứng trước ngôi mộ của Đại tướng, trong lòng chúng tôi không khỏi xúc động bồi hồi, dâng nắm hương và bó hoa tươi thắm lên Người bằng một sự tôn kính vô ngần.

Cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng của người chiến sĩ cộng sản - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - đã góp phần làm nên nhiều chiến thắng lịch sử vĩ đại của dân tộc; góp phần vào công tác giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng lập trường tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Công lao và cống hiến xuất sắc, nổi bật nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với cách mạng Việt Nam thể hiện trên lĩnh vực quân sự với những chiến công hiển hách của Quân đội nhân dân Việt Nam và Đại tướng đã trở thành một trong những danh tướng tài ba nhất của thế kỷ XX, một nhà chính trị đi trước nhà quân sự, một cây đại thụ rợp bóng nhân văn. Đại tướng là con người Văn - Võ song toàn, trong các lĩnh vực khác như giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật, báo chí, ngoại giao, văn hóa, lịch sử… Đại tướng đều có nhiều đóng góp quan trọng. Không những vậy, ông còn là người học trò gần gũi và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời Đại tướng là tấm gương của một nhân cách văn hóa lớn, liêm khiết, giản dị và khoan dung, tấm gương đó đã được ghi tạc vào lòng nhân dân và tỏa sáng. Danh hiệu dành cho Đại tướng “Vị tướng của nhân dân” vô cùng cao quý mà không một danh hiệu nào có thể so sánh được, nó sẽ trường tồn cùng lịch sử dân tộc Việt Nam và nhân loại.

 dc4

Đến 10h30 phút cùng ngày, Đoàn tham quan đã dừng chân tại cụm di tích đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải. Đây là chứng tích đã đi vào lịch sử dân tộc và tiềm thức nhân loại với nỗi đau chia cắt Nam – Bắc suốt 20 năm và khát vọng thống nhất đất nước của nhân dân ta.

dc5Đặc biệt với lời thuyết minh đầy truyền cảm và sức cuốn hút của thầy giáo Nguyễn Hữu Thiện – một người con của quê hương Quảng Trị - người đã từng sống một thời dưới bom đạn và chứng kiến cuộc đấu tranh bền bỉ của nhân dân hai bên bờ Hiền Lương vì khát vọng thống nhất non sông, đã cho chúng tôi như được sống lại những tháng năm lịch sử. Thầy như một nhân chứng sống trên mảnh đất này, dù khi đó chỉ là một thiếu niên mới 15 tuổi. Thầy đã cho chúng tôi hiểu thêm về những câu chuyện “chọi nhau” diễn ra giữa hai bờ Nam – Bắc Hiền Lương trong những năm tháng Bắc - Nam chia cắt. Đó là những câu chuyện về “chọi màu sắc” cầu Hiền Lương, “chọi cờ” Hiền Lương, về “cuộc chiến chọi âm thanh” đôi bờ Hiền Lương. Thầy đã cho chúng tôi hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất non sông”, về hoạt động của Đồn Công an Hiền Lương và cả những câu chuyện khác của một thời bom đạn trên tuyến lửa này. Qua lời kể của thầy, chúng tôi như được chứng kiến một thời kì lịch sử chống ngoại xâm đầy đạn bom khói lửa nhưng rất hào hùng của dân tộc, để từ đó thêm nâng niu, trân trọng thành quả độc lập, thống nhất ngày hôm nay.

 

Tiếp tục cuộc hành trình, 15h30 phút cùng ngày chúng tôi đã có mặt tại Thành Cổ Quảng Trị. Nơi đã diễn ra trận chiến ác liệt 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972) giữa lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam với Quân lực Việt Nam Cộng hòa có sự yểm trợ tối đa của hỏa lực quân đội Mỹ.

Thành Cổ Quảng Trị nằm tọa lạc ở trung tâm thị xã Quảng Trị bên dòng sông Thạch Hãn. Đây được coi là nghĩa trang không nấm mồ, là ngôi mộ chung của những người lính Thành Cổ đã ngã xuống vì quê hương, vì sự hòa bình thống nhất đất nước.

dc6

Nếu như không được trực tiếp đến đây, được tận mắt chứng kiến tất cả những đau thương, mất mát của một thời – thời của đạn bom, khói lửa, thời của những người mẹ xa con, người vợ xa chồng mà không biết có ngày gặp lại thì chúng tôi cũng chưa khi nào hình dung được những mất mát ấy lại lớn và đau thương đến vậy.

Thương lắm khi được biết tại mảnh đất đó thân xác các Anh đã không còn nguyên vẹn! Từng mảnh, từng mảnh đã hòa cùng cây cỏ, đất trời. Thương lắm với những cánh thư viết vội cho người thân của các Anh! Hầu hết các Anh đã tiên đoán được cái chết sẽ đến với mình bất cứ lúc nào, nhưng trong thư vẫn tràn đầy niềm lạc quan, yêu đời, khuyên người thân đừng buồn khi nghe tin xấu báo về mà các Anh tự hào khi được làm điều đó, vì các Anh biết rằng mình đã góp được phần nhỏ bé để bảo vệ cho Tổ quốc thân yêu, cho người thân được sống. Và chúng tôi đã không cầm được nước mắt khi nghe anh Dũng - Hướng dẫn viên của Khu di tích Thành cổ Quảng Trị đọc những lời nhắn nhủ của cựu chiến binh Phạm Đình Lân từ Hà Nội về thăm lại chiến trường xưa:

“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây.
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào.”

Điểm dừng chân cuối cùng của hành trình đến những “Địa chỉ đỏ” của chúng tôi là thành phố Huế - nơi có quần thể di tích Cố đô được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Tại đây, chúng tôi được biết đến những món ăn đặc sản của xứ Huế, được ngắm mình bên dòng sông Hương thơ mộng sau một hành trình dài đầy ý nghĩa.

dc7

Chùa Thiên Mụ - Huế bên sông Hương

Hành trình đến những “Địa chỉ đỏ” 4 tỉnh miền Trung chỉ có hai ngày nhưng đã để lại trong lòng mỗi chúng tôi nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Chuyến tham quan không chỉ là dịp để toàn thể cán bộ Đoàn được vui chơi, giải trí, tạo sự gắn bó, đoàn kết, giao lưu giữa các đoàn viên trong Đoàn trường mà còn góp phần giáo dục cho thể hệ trẻ hôm nay về truyền thống, niềm tự hào dân tộc, tự hào về những danh lam thắng cảnh của đất nước, tự hào về những mảnh đất kiên trung, những anh hùng dân tộc đã đi vào huyền thoại để từ đó biến thành hành động của tuổi trẻ hôm nay cần phải làm gì để xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước vì sự trường tồn của dân tộc.

“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta,

Mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”

(Trích lời bài hát “Khát vọng tuổi trẻ” của nhạc sĩ Vũ Hoàng)

         Đó là lời kết thay cho bài viết này mà tôi muốn gửi đến tất cả các bạn đoàn viên thanh niên Trường THPT Nguyễn Huệ./.

                                                                 Bài và ảnh: Thùy Trang – Phó Bí thư Đoàn trường.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: